Khi tài năng bị ngược đãi
John Kennedy Toole sinh ra trong một gia đình trung lưu ở New Orleans. Ngay từ nhỏ, ông đã được mẹ, bà Thelma khuyến khích theo đuổi nghệ thuật. Năm 16 tuổi, Toole viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, The Neon Bible.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Tulane, Toole học Văn học Anh ở Đại học Columbia đồng thời giảng dạy tại Cao đẳng Hunter. Việc học bị gián đoạn khi ông nhận lệnh nhập ngũ, và trong thời gian phục vụ quân đội ở Puerto Rico, Toole đã chắp bút viết nên A Confederacy of Dunces.
Toole gửi bản thảo cuốn sách tới Simon & Schuster, một nhà xuất bản có tiếng tại Mỹ. Sau một hành trình dài, cuối cùng nó về tay biên tập viên Robert Gottlieb, một ngôi sao xuất bản bấy giờ.
Gottlieb nhìn thấy tiềm năng của tác phẩm và khuyến khích Toole sửa lại vài chỗ:
“Cần phải chỉnh sửa nhiều đấy. Đường dây tuyến tính phải thống nhất và xuyên suốt — chứ không thể chắp vá những chương lẻ tẻ lại với nhau rồi gọi đó là một cuốn sách được. Có nghĩa là, mỗi điều trong sách phải mang một ý nghĩa nào đó, một chân lý, chứ không phải mấy điều tầm phào rồi ra vẻ thanh cao là được đâu.”
John Kennedy Toole đã dành 2 năm trời sau đó để chỉnh sửa đúng theo ý nhà xuất bản. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Toole, Gottlieb vẫn không hài lòng. Vào tháng 12 năm 1964, ông này viết cho nhà văn một lá thư với nội dung:
“Có một vấn đề khác: đó là với tất cả sự tuyệt vời của cuốn sách, nó… chẳng có lý do gì để ra đời cả. Xét về khía cạnh mới mẻ thì nó là một phát minh đáng giá nhưng không ai hiểu nó muốn nói lên điều gì. Cuốn sách đã sai ngay từ ban đầu — chẳng thể cứu vãn nổi.”
Có vẻ như sau 2 năm trời đằng đẵng trao đổi thư từ với Toole, biên tập viên Gottlieb của chúng ta đã bắt đầu thấm mệt rồi. Lá thư là giọt nước tràn ly, là đòn quyết định nhằm đốn gục mọi nỗ lực cho ra đời đứa con tinh thần của Toole.
Mối quan tâm của Gottlieb với cuốn sách cũng chấm dứt tại đó. Thật không may vì những lời lẽ cay độc trên cũng đã chấm dứt luôn cuộc đời của John Kennedy Toole.
Thất vọng tột cùng và cảm thấy bị ngược đãi sau những công sức không được ghi nhận, Toole đâm ra nát rượu. Ông dành hết tiền của đi du lịch vòng quanh nước Mỹ và chọn Biloxi, Mississippi làm chặng dừng chân cuối cùng. Đó là năm 1969 khi John Kennedy Toole quyết định chấm dứt cuộc đời đầy thất bại của mình. Năm đó ông 31 tuổi.
Người mẹ
Vài năm sau, bà Thelma tìm thấy bản thảo cũ trên chóp tủ đầu giường trong căn phòng cũ của Toole. Sau đó, bà tự vực dậy và quyết tâm phải hoàn thành tâm nguyện của con trai ngày còn sống — đó là tìm mọi cách xuất bản cuốn sách.
Trong vòng 5 năm, bà gửi bản thảo đến 7 nhà xuất bản từ lớn tới nhỏ. Tất cả đều lắc đầu nguầy nguậy. Không có ai thèm đọc lấy một từ nào trên những trang giấy đó cả. Nó được bà Thelma gửi tới nhà biên tập rồi từ nhà biên tập chui tọt vào thùng rác.
Tuy nhiên tới năm 1976, bà biết tới cái tên Walker Percy, một tiểu thuyết gia hiện đang giảng dạy tại Đại học Loyola ở New Orleans. Thelma cầm theo bản thảo tiến tới Percy và bảo ông hãy đọc thử nó.
Percy từ chối. Bà Thelma cố thuyết phục ông. Không có tác dụng. Ngày hôm sau, hôm sau nữa, bà lại đến trường tìm gặp Percy. Bà van nài ông hãy đọc thử một lần duy nhất thôi, rồi bà cầu xin ông. Cuối cùng, Percy đành chấp thuận đọc ‘mớ giấy chán ngán’ đó — một cách bất đắc dĩ để chấm dứt hành vi quấy nhiễu của Thelma.
Percy nghĩ mình sẽ đọc cho có, bịa vài lý do gì đó để từ chối bà già này cho xong. Nhưng chuyện nó lại không như vậy. Ngay từ trang đầu tiên, rồi trang thứ hai, cứ thế tới trang cuối cùng — Percy như bị hút hồn bởi thứ văn chương tuyệt vời kia.
Và như thế, Walker Percy về chung thuyền với bà Thelma. Họ cùng mang niềm tin rằng đây là một cuốn sách thực sự khác biệt, rằng nó xứng đáng được xuất bản.
3 năm tiếp theo, hai người họ đã tra tấn các nhà xuất bản bằng hàng loạt thư từ, cuộc gọi và khi 2 cách vừa rồi vô hiệu, họ sẽ tìm tới nói chuyện thẳng mặt. Nhưng ai cũng từ chối. Ai cũng lắc đầu hết. Chẳng ai muốn xuất bản A Confederacy of Dunces cả!
Thế rồi vào năm 1980, 17 năm sau khi cuốn truyện ra đời, Percy cũng tìm được một nhà xuất bản thuộc trường đại học ở địa phương — Louisiana State University Press — chịu in 2.000 bản.
Giờ đây khi bạn tìm kiếm "A Confederacy of Dunces” tại website nhà xuất bản đầu tiên của nó, Louisiana State University Press (LSU Press) — bạn sẽ thấy dòng giới thiệu sau: “Kiệt tác văn học và truyện tranh không được nhìn nhận xứng đáng này đã bán được hơn 2 triệu bản và dịch ra 20 thứ tiếng trên toàn cầu.”
Vào năm 1981, A Confederacy of Dunces đoạt giải Pulitzer, giải thưởng danh giá mà mọi nhà văn khao khát. Điều này có nghĩa là, sau tất cả những nỗ lực không ngừng nghỉ của Thelma, cuối cùng thì con trai bà, John Kennedy Toole đã được đứng chung hàng với các tên tuổi vĩ đại khác như Ernest Hemingway, Harper Lee hay John Steinbeck.
Hội Những Kẻ Ngu Muội
Cuốn sách được LSU Press xuất bản với tựa đề nguyên bản mà John Kennedy Toole đặt ra là ‘A Confederacy of Dunces’, dịch ra là ‘Hội Những Kẻ Ngu Muội’.
Toole đã lấy cảm hứng từ câu nói trong một bài luận có tên Thought on Various Subjects, Moral and Diverting — của Jonathan Swift, người đàn ông đứng sau tiểu thuyết kinh điển Gulliver du ký — từ hơn 200 năm trước đó:
“Khi một thiên tài thực sự xuất hiện trên thế giới này, ngươi sẽ nhận thấy dấu hiệu rằng tất cả lũ ngu dốt sẽ cùng hợp sức để chống lại anh ta.”
Thêm vào đó, bản thảo mà bà Thelma tìm thấy — đồng thời là bản in mà bà gửi tới các nhà xuất bản — không hề có manh mối rõ ràng nào về việc nó là bản gốc do Toole viết nên hay bản sửa đổi sau những góp ý từ Gottlieb.
Sau khi Toole tự vẫn, bà Thelma một mực quy hết trách nhiệm về phía biên tập viên Gottlieb. Trong một cuộc phỏng vấn, bà gọi Gottlieb là "sinh vật Do Thái" và "không phải con người".
Gottlieb công nhận tài năng của Toole, nhưng ông không hài lòng với tính logic của cuốn tiểu thuyết. Toole đã cắt bỏ nhiều phân đoạn mà ông cho là hay nhất để chiều lòng vị biên tập viên. Điều đáng buồn nhất là về cuối đời, Toole tin rằng Gottlieb đã đánh cắp ý tưởng từ cuốn sách của ông và đưa chúng vào Superworm (1968) của George Deaux, trong đó nhân vật chính giống Ignatius Reilly, nhân vật chính trong A Confederacy of Dunces đến kỳ lạ.
Dù được nhìn nhận như một kiệt tác, nhiều độc giả đã lên tiếng rằng công chúng đã tôn vinh nó quá trớn. Có rất nhiều biên tập viên xuất sắc tin rằng mình cũng sẽ đưa ra quyết định giống như Gottlieb nếu rơi vào trường hợp của ông.
Trên thực tế, bản thân Gottlieb đã dũng cảm nói rằng trong cuốn tiểu sử đời mình, Avid Reader, rằng nếu ông đọc lại bản thảo đã sửa lại của A Confederacy of Dunces, ông vẫn sẽ từ chối nó:
“Gần đây tôi có đọc lại cuốn sách sau khi nó được xuất bản — và phát hiện ra cảm nhận của tôi gần như không thay đổi sau suốt hơn 50 năm… Tôi nghĩ rằng tôi vừa tiếc nuối vừa nhẹ nhõm khi biết rằng quan điểm của mình vẫn không hề xê dịch.”
May mắn thay cho hậu thế vì bà Thelma là một người mẹ tuyệt vời, và tiểu thuyết gia Walker Percy là một người bạn tận tâm với Toole dù chưa gặp ông bao giờ, đã hoàn thành tâm nguyện của nhà văn lúc còn sống.
Trong một lần được phỏng vấn bởi nhà văn Frank Daugherty, bà Thelma nói: "Con trai tôi là một thiên tài. Tôi đã biết điều đó từ khi thằng bé mới chào đời". Bây giờ, hãy dành chút thời gian để suy ngẫm về câu chuyện vừa rồi, về những công sức bị chối bỏ của Toole, về những nỗ lực của bà Thelma và Walker Percy nhằm đưa cuốn sách ra ánh sáng.
Để nhận thấy điều gì?
Nếu một ý tưởng ra đời và được yêu thích ngay lập tức, vậy thì nó không mới.
Và: Thành công có thể đến muộn, nhưng sẽ không bao giờ vắng mặt cả.