Hiệu ứng Dunning-Kruger là gì?
Hiệu ứng Dunning-Kruger giải thích việc tại sao những kẻ nghiệp dư, thiếu các kiến thức nền tảng và kỹ năng cần thiết trong một lĩnh vực cụ thể thường đánh giá cao bản thân hơn so với thực tế. Ngược lại, hiệu ứng này cũng giải thích việc mấy đứa học sinh giỏi gặp bài nào cũng kêu “bài này dễ mà, áp công thức là ra” – tức là đánh giá trình độ người khác cao hơn thực tế – mà không nhận ra bản thân “đặc biệt” như thế nào.
Tên của hiệu ứng này xuất phát từ nghiên cứu của Justin Kruger và David Dunning vào năm 1999 tại Cornell. Họ đã cho sinh viên làm những bài tập về ngữ pháp, logic, và tự dự đoán kết quả của mình. Những người đạt điểm cao thì dự đoán tương đối chính xác trình độ của mình, trong khi đó nhóm đạt điểm thấp lại có xu hướng đoán thứ hạng của mình cao hơn so với thực tế.
Nhìn chung, nghiên cứu này cho thấy rằng chúng ta không thực sự giỏi trong việc tự đánh giá khả năng của bản thân.
Lời nguyền kép
Theo Dunning và Kruger, những người trình độ thấp phải chịu đựng một “lời nguyền kép” (double curse).
Đầu tiên, vì họ thiếu hiểu biết, họ liên tục mắc lỗi và đưa ra các quyết định tệ hại.
Thứ hai, họ quá mù mờ để nhận ra mình sai ở đâu, hoặc không có ai tốt bụng chỉ ra điều đó giúp họ cả. Và họ cứ lặp lại các lỗi tương tự trong những lần sau. Nói cách khác, chính sự thiếu hiểu biết đã ngăn cản họ nhận ra họ kém cỏi thế nào.
Trong khi đó, những kẻ xuất chúng thì có nhận thức rõ ràng hơn về năng lực bản thân. Họ biết họ giỏi, nhưng sai lầm ở chỗ họ nghĩ kiến thức, trình độ của họ là bình thường như bao người. Họ không đánh giá thấp bản thân, họ đánh giá cao người khác.
Các giai đoạn của Hiệu ứng Dunning-Kruger
Hãy theo dõi đồ thị dưới đây để thấy rõ sự biến đổi về mức độ tự tin của một người trong mỗi giai đoạn của Hiệu ứng Dunning-Kruger. Trục tung đại diện cho sự tự tin (Confidence) và trục hoành đại diện cho năng lực (Competence).
Giai đoạn 1: Bạn là Jon Snow trong Game of Throne vì bạn “Know nothing”. Kiến thức, kỹ năng của bạn đang ở con số 0. Bạn tự ý thức được sự kém cỏi và vô dụng của bản thân khi đứng trước một lĩnh vực cụ thể. Ở giai đoạn này, tự tin với bạn là một điều xa xỉ.
Giai đoạn 2: Bạn vừa lên đỉnh… cao của sự ngu dốt (Peak of Mount Stupid). Ở giai đoạn này, bạn bước vào những ngày tháng tươi đẹp của một tên a-ma-tơ. Bạn học được một chút và cộng thêm chút may mắn, bạn bắt đầu tin rằng mình là thiên tài. Nhìn vào biểu đồ, bạn có thể thấy sự tự tin của bạn lên đến cao ngất, trong khi năng lực thì chả cách mốc Know Nothing là mấy.
Giai đoạn 3: Trèo cao ngã đau, bạn rơi bụp xuống “Thung lũng tuyệt vọng” (Valley of Despairs). Sau những ngày tháng quẩy tưng bừng trên đỉnh, bạn nhận ra mình không tuyệt tới thế. Cây kim trong bọc bắt đầu lòi ra, bạn nhận thấy độ sâu và dày của biển kiến thức bạn chưa chạm tới. Bạn đối mặt với cảm giác bất tài, vô dụng của mình và sau đó là chuỗi ngày dài thất vọng nối tiếp nhau.
Giai đoạn 4: Bạn bắt đầu leo lên “Sườn dốc giác ngộ” (Slope of Enlightenment). Sau nhiều ngày lê thê chán chường và nghi hoặc về năng lực bản thân, bạn lên dây cót và trở lại cuộc đua. Bạn bắt đầu học lại từ căn bản, tham khảo các tiền bối, không ngừng học hỏi, tích lũy tri thức với cái tôi khao khát được phát triển. Bạn không còn ngông cuồng như trước nữa mà thay vào đó là sự khiêm nhường của một kẻ từng trải.
Giai đoạn 5: Yên bề gia thất tại “Cao nguyên của sự bền vững” (Plateau of Sustainability). Đó là lúc bạn đã trở thành chuyên gia trong lĩnh vực, tinh thông từng vấn đề cốt lõi. Nhưng bạn biết mình vẫn còn nhiều thiếu sót, bạn tiếp tục học tập, trau dồi và cải thiện bản thân.
Hiệu ứng Dunning-Kruger ảnh hưởng tới chúng ta ra sao?
1/ Theo Hiệu ứng Dunning-Kruger, bạn có thể không biết mình giỏi việc gì đó, vì bạn cho rằng thứ đó đến với bạn dễ dàng như nào thì cũng đến với người khác dễ dàng như thế. Do đó, bạn không nhìn nhận được điểm mạnh hay tài năng của bản thân, và có thể nhận ra chúng quá muộn.
Ngược lại, khi bạn hoàn thành xuất sắc một thử thách khó nhằn, bạn chìm trong ảo tưởng rằng mình là một nhân tài ẩn dật. Có thể bạn chỉ đang ăn may và thực tế thì bạn vừa thăng cấp từ nhập môn lên tầm trung mà thôi.
2/ Vì bạn đang chìm trong ảo tưởng miên man, bạn chia sẻ câu chuyện cho người khác và mong họ cũng có phản ứng tương tự. Nhưng không, họ chỉ tỏ ra ngạc nhiên – và thế là hết. Bạn rơi vào trầm tư và sự thất vọng bắt đầu len lỏi vào trong tâm trí bạn.
3/ Theo Hiệu ứng Dunning-Kruger, bạn có thể bỏ qua hàng loạt các cơ hội học hỏi từ người khác, những người thực sự giỏi hơn bạn; vì bạn tin mình giỏi hơn họ là cái chắc. Ngược lại, nếu bạn rất giỏi mà lại nghĩ mình không mấy đặc biệt, bạn sẽ không giảng dạy và truyền đạt kiến thức của mình cho người khác. Bạn đúng là nhân tài ẩn dật, và bạn đang tự đánh đồng bản thân với những kẻ kém cỏi hơn mình.
Các phản biện
Một số nghiên cứu sau đó đã cố gắng phản biện lại kết luận rạch ròi của hiệu ứng Dunning-Kruger: những người có trình độ hạn chế lại chính là những người không nắm rõ được rằng mình kém nhất.
Tiêu biểu trong đó là nghiên cứu thực hiện bởi Burson, Larrick và Klayman vào năm 2006 cho thấy “Trong những tác vụ đơn giản, khi có thiên hướng tích cực, những người thực hiện tốt nhất cũng là những người dự đoán chính xác nhất khả năng của bản thân. Trong khi đó với những tác vụ khó khăn hơn có chứa thiên hướng tiêu cực, những người thực hiện tồi nhất lại dự đoán chính xác hơn”.
Thực chất thì Hiệu ứng Dunning-Kruger hoạt động như thế này: Bạn càng giỏi việc gì đó, bạn càng bỏ nhiều thời gian ra để luyện tập, thì bạn càng có nhiều kinh nghiệm, và bạn sẽ có thể so sánh bản thân mình với người khác một cách chính xác hơn. Khi càng cố gắng để tiến bộ, bạn sẽ nhận ra những điểm mà bạn cần cải thiện. Bạn bắt đầu nhìn ra được sự phức tạp và chiều sâu của vấn đề; bạn biết đến những người đang dẫn đầu trong ngành, tự so sánh với họ và nhận ra điểm thiếu sót của mình.
Mặt khác, khi bạn càng kém việc gì đó, bạn càng bỏ ra ít thời gian và càng nắm được ít kinh nghiệm. Vì vậy, khả năng so sánh bản thân với người khác của bạn cũng kém hơn. Những người xung quanh lại không chỉ ra điều đó, hoặc là vì trình độ của họ cũng chỉ xêm xêm bạn, hoặc là họ không muốn làm bạn tổn thương. Sự cách biệt nho nhỏ giữa bạn và những người mới nhập môn khiến cho bạn tin rằng mình thật siêu phàm.
Khoảng cách giữa mức độ nhập môn và nghiệp dư là khá ngắn, và đây là nơi mà hiệu ứng Dunning-Kruger phát huy tác dụng. Bạn nghĩ rằng chỉ với cùng khoảng thời gian và nỗ lực đầu tư để nhảy từ bậc nhập môn lên nghiệp dư, bạn cũng có thể tiếp tục nhảy lên mức chuyên nghiệp. Tiếc là sự thật không đơn giản tới thế.
Bước chuyển từ nhập môn qua nghiệp dư, tới chuyên nghiệp, và cuối cùng và bậc thầy có ranh giới rất mờ nhạt. Hơn nữa, càng đi lên cao, con đường tới bậc tiếp theo càng dài. Thật tai hại khi bạn nghĩ mình là bá chủ trong khi các bậc thầy trong ngành – những người dành hàng chục năm trời nghiên cứu, tìm tòi còn chưa dám nhận mình giỏi.
Charles Darwin đã tổng hợp một cách vô cùng súc tích: “Ngu dốt mới là thứ hay sinh ra sự tự phụ chứ không phải là tri thức”. Dù là chơi game hay viết truyện ngắn, tấu hài hay chụp ảnh, những kẻ nghiệp dư thường tự cho mình là chuyên gia hơn là chính bản thân các chuyên gia.
Làm thế nào để không mắc bẫy?
Hiệu ứng Dunning-Kruger không hề chĩa súng vào những kẻ dốt nát và không biết rằng họ dốt nát. Không có gì liên quan tới họ cả. Bài học tối thượng mà nghiên cứu này này đem lại là việc ta nên khiêm tốn ra sao về năng lực của bản thân.
Giữ cái tôi ở mức vừa phải: không quá cao, đó là tự phụ; không quá thấp, đó là tự ti. Bạn nên đặt cái tôi của mình nằm giữa hai mốc đó.
Thừa nhận bản thân bất tài, kém cỏi là một công việc khó nhằn và cảm giác nó đem lại hẳn không dễ chịu chút nào. Trên thực tế, mọi người thường chỉ thừa nhận thiếu sót của bản thân khi họ có thể chỉ ra hoặc ai đó giúp họ nhận ra chúng. Cách dễ nhất là so sánh bản thân với những người có trình độ cao hơn bạn.
Nếu muốn trở nên xuất chúng, bạn còn phải tập luyện nhiều. So sánh, đối chiếu và tham khảo thành tựu của những người đi trước, những người đã làm công việc đó cả cuộc đời.
Tổng kết lại chúng ta có gì?
1/ Hiệu ứng Dunning-Kruger là quan sát cho thấy những người có trình độ kém trong một lĩnh vực cụ thể nào đó nghĩ rằng họ giỏi hơn thực tế rất nhiều, trong khi những người thực sự giỏi lĩnh vực đó lại có xu hướng đánh giá thấp năng lực họ sở hữu.
2/ Bạn càng biết ít về một vấn đề gì đó thì bạn càng dễ tin là vấn đề đó không có gì để tìm hiểu. Chỉ khi đã sở hữu một lượng thông tin nhất định, bạn mới nhận thấy độ sâu và dày của biển kiến thức mà bạn chưa thể chạm tới.
3/ Hiệu ứng Dunning-Kruger chưa bao giờ nhắm vào “những kẻ dốt nát nhưng không biết mình dốt nát” hay “những tên nghiệp dư kiêu ngạo và tự tin với sự thiếu hiểu biết của mình”. Hiệu ứng này là tấm biển cảnh báo bạn về thói tự phụ mỗi khi tiếp xúc một lĩnh vực/chủ đề mới.
4/ Người có trình độ kém thường mắc một lỗi nhiều lần. Vì không ai chỉ cho họ sai ở đâu, họ liên tục mắc lại lỗi sai tương tự và dậm chân tại chỗ. Hãy học hỏi từ những người đi trước, những người đã dành cả đời để nghiên cứu công việc đó. Hãy học hỏi từ sai lầm của bản thân, và cả sai lầm của người khác.
5/ Không có con đường tắt nào dẫn tới thành công nhanh chóng cả. Muốn thực sự giỏi giang và nổi bật trong một công việc cụ thể, bạn sẽ phải tập luyện rất nhiều, vấp ngã rất nhiều và thất vọng cũng thật nhiều. Cảm giác bất lực chưa bao giờ dễ chịu nhưng nó cho bạn động lực thức dậy mỗi sớm mai và nỗ lực thay đổi bản thân.
6/ Lần tới mỗi khi bạn nghĩ mình thật giỏi giang trong khoản nào đấy, rất có thể bạn chưa ngầu tới độ đó đâu. Đừng tự giăng bẫy chính mình.