Trong chương III của cuốn sách Gấu Pooh xinh xắn (tựa gốc: Winnie the Pooh), lợn Piglet và gấu Pooh phát hiện ra những dấu chân trên tuyết. Chúng cho rằng đó hẳn là dấu chân của một con chồn Woozle, và, vì chưa ai từng thấy chồn Woozle bao giờ cả, chúng bắt đầu lần theo dấu vết để truy tìm con vật tưởng tượng kia.
Pooh và Piglet lượn một vòng quanh khu rừng nhỏ, rồi phát hiện ra các dấu chân cũ được nối tiếp với hai đường dấu chân nữa. Chúng vòng quanh lần nữa, lần nữa, rồi lần nữa, các dấu chân cũng cứ thế gia tăng.
Chỉ tới khi cậu bé Christopher Robin xuất hiện rồi giải thích với Pooh và Piglet, hai con vật ngớ ngẩn mới hiểu rằng Woozle không hề có thật, và dấu chân mà chúng đang lần theo thực chất là của chính chúng.
“Gấu già ngốc nghếch,” Robin nói, “cậu đang làm gì vậy? Đầu tiên cậu tự đi hai vòng, sau đó Piglet chạy theo cậu và các cậu đi vòng cùng nhau, và rồi cậu vừa đi lần thứ tư.”
Giới khoa học đã sử dụng triệt để câu chuyện trên để minh hoạ cho một thuật ngữ gọi là “Hiệu ứng Woozle”, hay “Thiên lệch trích dẫn”. Hiện tượng này xảy ra khi một thông tin được trích dẫn và lặp lại rộng rãi mà không được kiểm định tính chính xác từ nguồn tham khảo gốc.
Ví dụ, trong ngành báo chí, khi nhà báo phải lên bài về một chủ đề, họ sẽ lên mạng tìm kiếm những bài viết về chủ đề này được xuất bản trước đó. Họ đăng tải những gì họ tìm thấy, cho rằng đó là sự thật. Một nhà báo khác nhìn thấy thông tin được báo cáo bởi hai nguồn rồi cho rằng thực sự là những gì đang diễn ra, và các nhà báo khác cũng vậy.
Tác giả Dave Trott trong cuốn sách Năng lực của sự ngu ngốc đã trình bày trường hợp trớ trêu của ông, có thể coi là điển hình cho Hiệu ứng Woozle. Những năm sinh viên, Dave đã có cuộc phỏng vấn đầu tay với một nhà báo thương mại quảng cáo. Là người được phỏng vấn, ông đã trích dẫn lời của rất nhiều người mà ông ngưỡng mộ: từ thần tượng Bill Bernbach đến cả Đức Phật.
Vài tuần sau, bài báo được đăng tải, trong đó đề cập rằng Dave là một Phật tử chính cống, dù nhà báo khi phỏng vấn không hề hỏi Dave chuyện này. Lúc ông toan đính chính là sự việc đã quá muộn, các nhà báo khác đã đọc mẩu tin và bắt đầu xuất bản lại, việc Dave là một Phật tử dần được coi là sự thật. Không ai bận tâm hỏi ông cả, nó trở thành sự thật chỉ vì nó được lặp lại quá nhiều lần.
Bạn có thể tìm thấy rất nhiều ví dụ thú vị khác trong các cuốn sách nổi tiếng, chẳng hạn như Những kẻ xuất chúng của Malcolm Gladwell. Thứ khiến cuốn sách này trở nên phổ biến, đồng thời gây tranh cãi dữ dội, là Quy tắc 10.000 giờ. Một trong những trích dẫn từ cuốn sách được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội là: 10.000 giờ là con số kỳ diệu của thành công – mức thời gian cần thiết để đạt đến sự tinh thông thực sự.
Trích dẫn này được lặp lại nhiều tới mức nhiều người tin sái cổ, và gây ra một vài cách hiểu tệ hại như a) 10.000 giờ là con số của sự vĩ đại, bất chấp năng khiếu tự nhiên của một cá nhân hay b) Chỉ cần tập luyện đủ nhiều, ai cũng có thể đạt tới trình độ tinh thông của một lĩnh vực. Tất cả chỉ là vấn đề thời gian. Gladwell sau đó đã phải lên bài đính chính trên New Yorker rằng Quy tắc 10.000 giờ đã bị diễn giải sai lệch, và, trên thực tế, nội dung đầy đủ của cuốn sách có đề cập tới chuyện thành công chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác như năng khiếu, may mắn hay lĩnh vực mà ta theo đuổi.
Hiệu ứng Woozle, như vừa mô tả, tồn tại như một cạm bẫy trong thời đại thông tin thật giả lẫn lộn như hiện nay. Sẽ thật sáng suốt nếu ta tự biết trang bị một tâm lý hoài nghi trước luồng content khổng lồ (nhưng phần lớn là vô bổ) mà ta phải tiêu thụ hàng ngày trên mạng xã hội, hay trong cả giao tiếp thường nhật.
Hiệu ứng Woozle cũng chỉ ra một tâm lý cố hữu của con người khi bước chân vào một lĩnh vực mới: ta thường có xu hướng chạy theo đám đông, hiếm khi lật ngược lại vấn đề để bắt đầu từ con số không mà, phần vì lười nhác phần vì bất cẩn, chỉ chăm chăm sánh bước cùng dòng người đang đi. Ta xuôi theo chiều gió; ta đọc những thứ mọi người đang đọc, xem những gì mọi người đang xem, và tệ nhất, chẳng ngại ngần đem chúng ra thảo luận, cốt để lập luận của mình nghe có vẻ vững chãi và khả tín hơn.
Khi đưa ra quyết định, thông tin ta đưa ra cần phải đáng tin cậy. Cách duy nhất để xác định xem thông tin có đáng tin cậy hay không là lần lại nguồn thông tin gốc chứ không phải lần đọc những tạp chí hay bài báo tạp nham về thông tin đó.
Bạn nên tra khảo những nguồn uy tín, và, nếu bạn có ý định sử dụng thông tin để sản xuất nội dung, giả dụ như viết một bài luận hoặc chuẩn bị một bài thuyết trình trước các sếp, bạn không thể nghiên cứu một cách cẩu thả, mà, thay vào đó, cần sàng lọc thông tin để chọn ra những thứ tinh túy nhất.
Cố nhiên, rất ít người quan tâm tới sự thực, hoặc có quan tâm nhưng không nhiều. Các tờ báo lá cải, các thông tin sai lệch vẫn được hoành hành tứ tung bởi một thực trạng là con người nhiều khi đặt nhu cầu thưởng thức trên cả sự thật. Việc truyền thông dắt mũi cộng đồng ngày càng trở nên phổ biến – trách nhiệm đâu chỉ thuộc về kẻ làm ra nội dung, mà còn thuộc về những kẻ tiêu thụ nội dung đó. Tất nhiên, dưới cương vị một độc giả, bạn không thể kiểm soát những nội dung được đăng tải nhưng bạn có thể kiểm soát những thứ bạn sẽ đọc và những gì bạn sẽ tin.
Vì vậy, lần tới bạn đọc bài của Channel 14 hay Báo Star, hãy dừng lại và tự hỏi xem bạn có phải đang là chú gấu Pooh, lần theo dấu chân của chính mình để truy tìm con chồn Woozle tưởng tượng không nhé.