Tại sao nhiều người lại ngại bước ra khỏi vùng an toàn?
Vùng an toàn, hay có tên khoa học chính thức là Comfort Zone, là trạng thái tâm lý, hoặc là tình trạng hiện thực mà con người quyết định nhằm đảm bảo khả năng kiểm soát của bản thân đối với cuộc sống, duy trì tính ổn định bền vững. Cũng có thể coi Comfort Zone là một lối sống, cách sống hay lựa chọn sống của nhiều người.
Có rất nhiều lý do để dẫn đến lựa chọn này, chủ yếu từ các điểm phát:
Mắc kẹt trong nỗi sợ hãi không chắc chắn
Bạn có thể tưởng tượng Comfort Zone là căn nhà ấm áp, là nơi bạn đã sống nhiều năm liền, không có sóng gió cũng không có quá nhiều thứ chông chênh xảy ra. Mọi thứ diễn ra một cách đều đặn như quy luật chung của cuộc sống và như những người lớn tuổi xung quanh đang sống cuộc đời của họ.
Ở đó, bạn mất đi khái niệm về ranh giới cuối cùng trong năng lực của bản thân, và những nỗi sợ hãi chẳng mấy khi xuất hiện. Nếu luôn ở trong một không gian như vậy, bạn có muốn bước ra không?
Thoạt nhìn, đó là một cách sống bình yên. Nhưng xét sâu vào nguyên nhân của sự lựa chọn, nó đơn thuần là một cách lẩn trốn và tránh né nỗi sợ những điều không chắc chắn. Những gì không thể kiểm soát được, những dự định với tương lai mơ hồ, những điều đang chờ phía trước mà không rõ tên, đó chính là hình dạng của nỗi sợ mà chúng ta chôn giấu bên trong lòng, là thứ đang ngăn chúng ta khai mở cánh cửa của ước mơ, khao khát và nỗ lực.
Phủ nhận bản thân
Bạn yêu thích một công ty, vừa lúc thấy thông tin tuyển dụng của công ty đó, nhưng thay vì gửi CV ứng tuyển bạn lại chần chừ nghĩ rằng: “Thôi, mình chẳng giỏi giang gì, CV cũng ít kinh nghiệm, chắc chẳng đạt đâu. Gửi cũng không để làm gì”.
Bạn muốn trở thành một tình nguyện viên hỗ trợ các cộng đồng khác nhau, nhưng vì cảm thấy bản thân không giỏi giao tiếp, ngại bắt chuyện với người khác nên tặc lưỡi cho qua.
Và còn vô số lần khác, dù chưa từng thử, chưa thực sự trải nghiệm vào những dự định đó, bạn đã vội vàng cho rằng mình không thể làm được.
Tự ti, sợ hãi, ngập ngừng,... tất cả những cảm xúc mang tính chất phủ nhận bản thân đều được bạn sử dụng để ngăn lại mọi quyết định. Con đường mòn bạn đi đã dài lê thê, nhưng vì sự phủ nhận, vì không biết là thuận lợi hay gian nan, bạn không dám đổi sang một con đường khác mới hơn, có nhiều cơ hội bứt phá hơn.
Cuộc sống bắt đầu khi bạn bước ra khỏi vùng an toàn
Trong vùng an toàn, bạn có mọi thứ một cách ổn định và lặp lại, đồng nghĩa với việc cánh cửa của những trải nghiệm, cảm xúc khác biệt bị phủ bụi. Vì thế, hãy bắt đầu thử mở cánh cửa đó ra. Hẳn nhiên, sẽ có sợ hãi, có thử thách, nhưng đi đến tận cùng, điều chờ đợi bạn là một thế giới sống động và tuyệt vời.
Đại thi hào Nguyễn Du, tác giả của “Truyện Kiều”, từng để lại đôi câu: “Người mà đến thế thì thôi/ Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi”. Chúng ta không chiến thắng được thời gian, chúng ta cũng không đoán được những biến cố trong tương lai. Luôn sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn và dấn bước mở cánh cửa ranh giới đó mới là điều mà chúng ta cần học, cần làm để chứng minh bản thân đã sống, đã trải nghiệm chứ không đơn giản là tồn tại.
Năm 1907, hai nhà tâm lý học Robert Yerkes và John Dodson đã thực hiện thí nghiệm về mối quan hệ tương quan giữa nỗi lo lắng và thành tích. Trong thí nghiệm sốc điện lên chuột ấy, khi trải nghiệm vượt quá mức chịu đựng, chúng không còn đứng yên mà bắt đầu tìm cách chống cự và chạy trốn. Đó chính xác là những biến đổi trong tâm lý và hành vi của chúng ta khi bắt đầu bước ra khỏi vùng an toàn. Phía sau vòng tròn an toàn, các vòng tròn theo cấp độ tăng tiến trải nghiệm chính là:
Fear Zone - Vùng sợ hãi
Bạn sợ những bài toán khó khi bạn không có đủ kiến thức để biến chúng trở thành lời giải.
Bạn sợ những mối quan hệ mới vì bạn lo lắng mình không hiểu họ và mình không đủ tốt.
…
Nguyên nhân của mọi nỗi sợ hãi trong vùng này bắt nguồn từ suy nghĩ “Mình thiếu sót” của đại đa số chúng ta. Chúng ta cho rằng bản thân không đủ tốt, không đủ kiến thức, không có gì ấn tượng,... nên sợ hãi những điều mới lạ đó. Đồng thời, cảm xúc tự ti cũng nảy sinh làm chúng ta trở nên dè chừng hơn. Lúc này đây, cá nhân sẽ có hai xu hướng hành vi, hoặc là thỏa hiệp với sự tự ti đó, từ bỏ và không muốn khám phá, quay về vùng an toàn, hoặc là thỏa thuận với sự tự ti, dấn từng bước khám phá, bù đắp thiếu hụt và nỗ lực thay đổi bước đi xa hơn.
Một người có ý thức về vùng sợ hãi, không an tâm ở yên trong vùng an toàn nữa tức là đã có sự thể nghiệm, suy tư về một thế giới mà họ chưa chạm tới. Khi có những suy nghĩ này, dù là sợ hãi thì đó cũng là một sự sợ hãi tất yếu trong tâm lý con người. Đến loài động vật còn dè chừng trước một vật thể lạ thì con người, sinh vật thông minh bậc nhất lại càng ý thức cao về thách thức của một thế giới khác.
Learning Zone - Vùng học tập
Nelson Mandela - tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi khi nhắc đến việc học tập, từng để lại câu nói: Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới.
Khi đã ý thức về sự trì trệ của bản thân ở một lĩnh vực nào đó, khi bắt đầu suy tư về những nỗi sợ, bạn đã có thể bắt đầu với một trình tự như sau:
- Khoanh vùng “nỗi sợ” ưu tiên của bản thân. Tức là trong vô số những nỗi lo, bạn hãy lựa chọn những điều mà bản đang thực sự muốn thay đổi và đồng thời nó có ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của bạn.
- Điểm tên những nguyên nhân hình thành nỗi sợ đó. Khi bạn đọc tên được những nguyên nhân ấy, bạn sẽ biết mình phải tìm kiếm điều gì để có thể khiến chúng bị xóa tan khỏi tâm trí bạn.
- Tìm kiếm giải pháp phù hợp với bản thân. Bạn có thể tham khảo câu chuyện của những người khác, lắng nghe một vài lời khuyên, sau đó tổng hợp chúng lại, lựa chọn phương pháp phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của bản thân.
Tham khảo: Phương pháp cân bằng các yếu tố trong cuộc sống giúp bạn hạnh phúc
Nếu đó là lựa chọn học tập, nó sẽ đồng nghĩa với việc bạn cần cân nhắc về khoảng thời gian rảnh sử dụng được, mức tài chính bạn chấp nhận chi tiêu để học tập, sau khi học tập bạn ứng dụng thế nào vào đời sống và công việc của bản thân.
Ví dụ, điểm yếu của bạn là giao tiếp. Bạn gặp khó khăn trong việc trình bày các quan điểm của mình với người khác, có thể là do lo lắng, tự ti, cũng có thể là yếu tố trực tiếp như giọng nói không hay, hoặc phát âm không rõ ràng, nhiễm giọng địa phương. Bạn cần gạch đầu dòng những điểm yếu khiến bạn chùn bước trong việc giao tiếp, sau đó đưa ra phương pháp học tập, rèn luyện phù hợp để thay đổi nó.
Warren Buffett, vị tỷ phú nổi tiếng thế giới luôn cho rằng, khoản đầu tư đáng giá nhất chính là đầu tư vào bản thân mình. Chính vì thế, ông sẵn sàng dành thời gian, công sức, tiền bạc để học một khóa giao tiếp, đối diện với nỗi sợ của mình. Đa số chúng ta đều đang đặt ra câu hỏi: “Phải vượt qua nỗi sợ như thế nào?”. Nhưng sự thật là chúng ta phải học cách đối diện trước khi vượt qua. Việc giao tiếp thành thục, thuyết trình không cần dùng giấy chính là thứ mà nhiều nhà diễn thuyết nổi tiếng đang có và nhiều người đang tìm kiếm.
Gợi ý: Bài học giao tiếp từ những nhà diễn thuyết nổi tiếng
Growth Zone - Vùng phát triển
Trong vùng học tập, bạn đã dần tích lũy được những kiến thức, trải nghiệm sau khi bước khỏi nỗi lo sợ khi không còn được bao bọc bởi vùng an toàn. Vùng phát triển giống như một giai đoạn bứt phá và tỏa sáng cần thiết và tất yếu khi bạn đã thể nghiệm và dám bước đi, dám học tập.
Đây chính là giai đoạn bạn đối diện với một cuộc sống trong hình dạng hoàn thiện hơn cả về kỹ năng, nhận thức và trải nghiệm sống. Điều này không có nghĩa phủ nhận bạn ở những giai đoạn trước, mà đây là một phiên bản hoàn thiện có tính cấp tiến. Tiềm năng của con người là vô hạn, vì thế, việc khám phá và hoàn thiện của mỗi người cũng vô hạn, và không ai có thể khẳng định chính xác một người sẽ tiến xa đến đâu.
Khi bạn có thể dịch chuyển từ vùng an toàn đến với vùng phát triển, tức là bạn đã hình thành được tầm nhìn cho bản thân. Giống như việc khởi nghiệp, tầm nhìn là thứ giúp bạn quyết định chính xác lĩnh vực kinh doanh với tiềm năng, cơ hội của nó cùng những chuyển đổi kịp thời. Xây dựng bản thân cũng là một sự khởi nghiệp tự thân, ở đó, bạn cần có tầm nhìn để định hướng con đường mà bản thân sẽ đi.
Một số người gặp phải tình trạng, khi đã đạt được mục tiêu trước mắt, lại bị hoang mang bởi quãng đường tiếp theo. Vì thế, khi bắt đầu tiến tới vùng học tập, bạn hãy xác định cho bản thân từng cột mốc mục tiêu có tính chất cấp tiến, sử dụng giả định thành công để suy nghĩ về điều mà mình muốn theo đuổi. Đó chính là những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong hành trình của bạn.