Ống kính số 1 - Ống kính chinh phục
Ống kính “lộng lẫy” số 1 được đặt tên để dành cho những nhiếp ảnh gia trên đường săn lùng cái đẹp của tự nhiên và hướng đến mục đích tranh giải. Giải thưởng là một từ nhạy cảm, nhưng đó là do cách ta nhìn nhận về nó. Đến cuối cùng, nó cũng như cái bằng khen chúng ta mong muốn có được sau một năm nỗ lực làm việc. Những nhiếp ảnh gia cũng vậy, giải thưởng nhiếp ảnh không chỉ là một sự động viên tinh thần, mà còn là một sự công nhận cho công sức của họ trên hành trình chinh phục và khám phá thiên nhiên.
Để có được những tác phẩm nhiếp ảnh như Matrix of boats (NAG Cao Nguyên Vũ), Thu hoạch cỏ bàng (NAG Nguyễn Hữu Bính), Mùa đánh bắt cá cơm (NAG Nguyễn Ngọc Thiện), v.v. là sự cộng hưởng của kỹ thuật, sự kiên trì quan sát của nhiếp ảnh gia, sự ưu ái từ những khoảnh khắc tự nhiên.
Hơn hết, chỉ những người đã đặt một bước chân vào nhiếp ảnh mới hiểu được, để có một bức ảnh đẹp đến mức tưởng như là sắp đặt, nhiếp ảnh gia đã mất đến hàng giờ, hoặc hàng ngày, hàng tháng để trực chờ, trông ngóng, chụp và chụp không ngừng nghỉ.
Tác giả: Michael Starkie
Landscapes, Waterscapes, And Flora Finalist - "In The Place Of My Dreams" By Paulo Olivier Hanshing - Bored Panda
Ống kính chinh phục - một cú bật đẩy nhiếp ảnh ra khỏi sự tĩnh lặng thông thường, tiến đến một thế giới tràn ngập khoảnh khắc đắt giá. Một bức ảnh đẹp không nên chỉ nằm yên trong một chiếc thẻ nhớ, nó nên được phô bày cho tất cả mọi người cùng thưởng thức và đưa về một vị trí xứng đáng.
Để làm chủ ống kính chinh phục, bạn cần có sự chuẩn bị tốt nhất về mặt kỹ thuật nhiếp ảnh và trang thiết bị, sẵn sàng cho những góc máy trên cao, những cái bấm máy chớp nhoáng.
Xem thêm: Sự thăng hoa của nhiếp ảnh nằm ở đâu?
Ống kính số 2 - Ống kính thương mại
Ống kính này đưa nhiếp ảnh trở về với chức năng khởi nguyên của nó - đáp ứng mục đích lưu giữ hình ảnh của mỗi cá nhân hoặc một nhóm người. Bên cạnh góc độ nghệ thuật thẩm mỹ, nhiếp ảnh tồn tại một khía cạnh khác vô cùng đời thường, vô cùng dung dị, hòa nhập với cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Ống kính nét thơ là một cái tên mĩ miều cho ngách nhiếp ảnh dịch vụ. Những người tìm đến nhiếp ảnh dịch vụ thường là để đặt nhiếp ảnh gia theo sát trong những buổi chụp hình đám cưới, chụp hình kỷ yếu, chụp hình dạ hội, chụp hình giao lưu,...
Phân loại kỹ thuật nhiếp ảnh được sử dụng cho ống kính nét thơ thường là thể loại ảnh chân dung, bố cục 1/3 và bố cục trung tâm.
Mặc dù được gắn cái mác dịch vụ, song ống kính nét thơ vẫn là một “nghề” mà không phải nhiếp ảnh gia nào cũng thạo. Sự thật là, có những người hiểu rất rõ kỹ thuật nhưng không thể chụp được những bức ảnh làm ưng ý khách hàng. Liệu có phải là do khách hàng khó tính? Hay khách hàng bị bối rối trước ống kính? Đây chỉ là một tác động nhỏ mà thôi.
Alfred Eisenstaedt, nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Đức với bức ảnh Nụ hôn trên quảng trường thời đại đã nói rằng: Trong nhiếp ảnh, hiểu con người quan trọng hơn là hiểu máy ảnh.
Khi bạn tiếp nhận một khách hàng, bạn nên dành nhiều thời gian để tư vấn cho họ các dáng chụp, tìm hiểu sở thích của họ, tìm hiểu góc mặt ưa thích,... Khi khách hàng tin bạn, họ sẽ không ngại ngần với bạn và với ống kính của bạn nữa. Và khi bạn hiểu khách hàng, tức là bên trong bạn đã khơi dậy được một cảm xúc thân thiết, một trách nhiệm lòng tin, giúp bạn tập trung cao độ trong quá trình tác nghiệp. Đương nhiên, cuộc trò chuyện tư vấn nên diễn ra trước khi đến buổi chụp chính thức.
Rất nhiều nhiếp ảnh gia không có thói quen này. Trong khi đó, sự thấu hiểu là nền tảng của việc sáng tạo tác phẩm, ngay cả khi đó là một tác phẩm đặt hàng.
Ống kính số 3 - Ống kính tuyên ngôn
Ống kính số 3 là một ống kính khá lộng lẫy, được sử dụng với mục đích cho tuyên ngôn về hình ảnh, phong cách, lối sống, quan điểm xã hội,... Nó sáng tạo và đa số là tích cực.
Loại hình nhiếp ảnh này thường xuất hiện trong những dự án truyền thông, được các KOLs sản xuất để làm nổi bật quan điểm nghệ thuật của chính mình. Ngoài ra, một số nhiếp ảnh gia cũng chủ động tổ chức những buổi chụp hình sắp đặt để tuyên ngôn cho phong cách của mình.
Một bức ảnh trong "Dự án 365" của nhiếp ảnh gia Zhong Lin - nguồn iDesign
Những bức ảnh dưới ống kính tuyên ngôn có tính thẩm mỹ vô cùng cao, với chủ thể luôn được tôn lên với màu sắc nổi bật nhất, bối cảnh xung quanh được trang trí theo concept riêng biệt và độc đáo. Những bức ảnh này vì có ý nghĩa tuyên ngôn nên chúng vô cùng độc, lạ, không lặp lại, mang một thông điệp rõ ràng. Nó vừa có giá trị thẩm mỹ với những ấn tượng sắc sảo, kích thích thị giác người xem, vừa mang trong mình những câu chuyện của người nghệ sĩ.
Mont Saint-Michel, Model: Evangelina Melnikova, Photographer: Hobopeeba - Bored Panda
Một trong những KOLs sử dụng “ống kính tuyên ngôn” vô cùng thành công chính là Cô em Trendy. Đầu năm 2023, vào dịp Tết Nguyên Đán, Khánh Linh đã tung ra một bộ ảnh được đầu tư kỹ lưỡng về ý tưởng, xếp đặt không gian, trang phục, trang điểm…, tự hóa thân thành một miếng bánh chưng xanh với sự góp mặt của ngọc ngà châu báu từ những thương hiệu thời trang xa xỉ. Bộ ảnh không chỉ đạt được mục tiêu xây dựng hình ảnh cá nhân, mà còn đáp ứng được giá trị lan tỏa truyền thống dân tộc. Có thể nói đây là màn chào sân khá tốt của Khánh Linh cho chặng đường năm mới.
Vừa qua, để tôn vinh ngày 18/4 - Ngày bảo vệ, chăm sóc người tàn tật, nhiếp ảnh gia Nhi ngờ đã thực hiện dự án DISABEAUTY (hay “This (is) a beauty”), tôn vinh những nét đẹp riêng biệt. Bộ ảnh không chỉ đạt được ấn tượng thẩm mỹ mà còn mang đến một tuyên ngôn rất nhân văn.
Có thể nói ống kính tuyên ngôn là một loại hình ống kính mang cá tính sáng tạo rất mạnh mẽ, là phương tiện truyền tải phong cách cá nhân tốt nhất của những người làm nghề sáng tạo.
Ống kính số 4 - Ống kính quảng cáo
Ống kính này dành riêng cho những nhiếp ảnh gia sáng tạo với các hạng mục chụp ảnh sản phẩm. Nhiều người cho rằng, chụp ảnh sản phẩm chỉ là đặt sản phẩm ở một nơi dễ nhìn, chụp sao để sản phẩm nổi lên là được. Hoặc nếu chụp mẫu thì cứ đưa máy thẳng lên và chụp máy là đã xong.
Thế nhưng, nhiếp ảnh quảng cáo là một phân khúc vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của các thương hiệu. Trong xây dựng thương hiệu, hình ảnh của thương hiệu là một đóng góp vô cùng cần thiết, có vai trò quan trọng trong định hướng phong cách thương hiệu, và dấu ấn trong lòng công chúng.
Nhiếp ảnh quảng cáo cũng yêu cầu tính thẩm mỹ sáng tạo không hề kém so với ống kính tuyên ngôn. Chúng đều có điểm chung là phải gắn với nguyên bản thương hiệu, không tách rời. Tuy nhiên, làm thế nào để sản phẩm lên ảnh mà không bị nhàm chán như những hình ảnh của thương hiệu khác?
Đây là điều mà HOA club x BOO đã làm rất thành công trong bộ ảnh thương hiệu Sáng nắng chiều "em" nhân dịp 8/3. Bên cạnh các ấn tượng thẩm mỹ, bộ ảnh sáng tạo ở chỗ đã kết nối dòng sản phẩm áo babytee các màu với những nhân vật khá ấn tượng trong làng mẫu là Quỳnh Ngô, Thủy Tiên, Hải Ly. Mỗi màu áo một loài hoa, mỗi nhân vật một câu chuyện. Chính bộ ảnh một chủ đề nhưng nhiều nhân vật theo dạng storytelling đã khiến hình ảnh của cả HOA club x BOO và ba người mẫu đặt một dấu ấn rất riêng trong hoạt động quảng cáo về ngày Quốc tế phụ nữ.
Đây là 4 loại hình ống kính nhiếp ảnh đang được các nhiếp ảnh gia theo đuổi hiện nay. Từ lâu, nhiếp ảnh đã là một nghề, nhưng để tìm thấy một nhiếp ảnh gia có đầy đủ kỹ thuật, cảm xúc, ý tưởng thì không hề dễ. Sự thấu cảm và cảm hứng sáng tạo trong nhiếp ảnh chỉ đến khi bạn:
- Xem thật nhiều ảnh, càng xem nhiều, phân tích chúng cả về ý tưởng và kỹ thuật, bạn mới biết tại sao đẹp.
- Quan sát tỉ mỉ và kỹ lưỡng, bản chất nhiếp ảnh là thu giữ cuộc sống, trước khi thu giữ một điều gì đó, hãy quan sát kỹ sự vận động của nó. Nếu bạn quan tâm đến những gánh hàng hoa, hãy quan sát xem những người gánh hoa ấy họ đến vỉa hè như thế nào, họ bán hoa ra sao, cảm xúc của họ là gì.
- Học và luyện cho thật chắc kỹ thuật nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh cần cảm xúc, nhưng nếu không có kỹ thuật, bạn sẽ không bao giờ nâng tầm được bức ảnh của mình. Dù bạn có theo nhiếp ảnh chuyên nghiệp hay không, nhưng nếu bạn không biết cách điều khiển ống kính, ngay cả một bức ảnh bình thường bạn cũng không thể ghi lại theo ý mình muốn. Để nắm chắc kỹ thuật nhiếp ảnh, bạn có thể tham khảo Lớp học thủ pháp thị giác nhiếp ảnh cùng Nhiếp ảnh gia Việt Thanh - tác giả của những bức ảnh phóng sự đã đạt giải trong và ngoài nước.
Nhiếp ảnh là nhìn và cảm, nếu bạn chỉ nhìn mà không cảm, một phần linh hồn của bức ảnh sẽ chết. Nếu bạn cảm được, nhìn được nhưng không biết phải làm sao để diễn ảnh, đó là lúc bạn phải tìm tới kỹ thuật. Đừng giới hạn mình trong những khuôn khổ, nhiếp ảnh là một vùng trời rộng lớn bao la, ngay cả khi bạn không đi theo con đường tuyên ngôn nghệ thuật, bạn vẫn có thể trở thành nhiếp ảnh gia được săn đón nếu bạn thực hiện chức năng lưu giữ của nhiếp ảnh.