Nhiếp Ảnh

10 Thể Loại Nhiếp Ảnh Tiềm Năng Nhất Để Theo Đuổi Trong Năm 2024

27 thg 4, 2024

B ạn muốn theo đuổi nhiếp ảnh nhưng chưa chọn được thị trường ngách? Hãy thử xem qua danh sách dưới đây; từ con người cho đến...

10-the-loai-nhiep-anh-tiem-nang-nhat-de-theo-duoi-trong-nam-2024-22

Nhiếp ảnh chân dung

Nhiếp ảnh chân dung hay chụp ảnh chân dung là loại hình nhiếp ảnh nhằm ghi lại cá tính của một (hoặc nhóm) người, nhấn mạnh vào khuôn mặt, thần thái, biểu cảm của đối tượng. 

Ngược dòng lịch sử, nhiếp ảnh chân dung đã xuất hiện từ thời sơ khai của nhiếp ảnh, khi Louis Daguerre phát minh ra kỹ thuật daguerreotype vào năm 1839—cùng năm mà Robert Cornelius nhắm máy ảnh vào chính mình và thu về cái được nhiều người cho là bức chân dung tự hoạ đầu tiên (hoặc “tự sướng” theo cách nói hiện đại), đặt nền móng cho nhiếp ảnh chân dung trở thành một loại hình nghệ thuật riêng. Ngoài ra, loại hình này thường phát sinh trong những dịp đặc biệt, chẳng hạn như sinh nhật, đám cưới, hoặc nhậm chức Tổng thống chẳng hạn. 

Bức ảnh chân dung nổi tiếng của Steve Jobs, được chụp bởi nhiếp ảnh gia Albert Watson 

Về mặt thương mại, nhiếp ảnh chân dung được các doanh nghiệp và nhãn hàng sử dụng để thêm khuôn mặt nhân vật vào hoạt động kinh doanh của họ, chẳng hạn, để quảng bá cho một chiến dịch truyền thông, hoặc giới thiệu gương mặt đại sứ thương hiệu, v.v. 

Một số nhiếp ảnh gia chân dung nổi tiếng bạn có thể tìm hiểu như Annie Leibovitz, Richard Avedon, Steve McCurry, v.v… 

Nhiếp ảnh phong cảnh 

Chụp ảnh phong cảnh, như tên gọi, nhằm tôn vinh sự hùng vĩ của thiên nhiên, thâu tóm những cảnh quan ngoạn mục của núi, rừng, biển, v.v. Thông thường, những bức ảnh chụp thiên nhiên thường ít cho phép sự có mặt của con người nhằm khắc hoạ vẻ đẹp thuần khiết, ban sơ; thay vào đó tập trung vào ánh sáng tự nhiên, thời tiết và địa hình. 

Nếu yêu thích thể loại này, bạn có thể tìm xem các tác phẩm của Ansel Adams, có lẽ là nhiếp ảnh gia phong cảnh nổi tiếng nhất. 

Chụp ảnh phong cảnh xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau. Có thể chỉ đơn giản là nhiếp ảnh gia muốn lưu giữ một khoảnh khắc hoặc trải nghiệm cá nhân, khao khát tóm gọn thiên nhiên vào trong một khung hình; hoặc chụp với mục đích thương mại - quảng bá cho khu du lịch chẳng hạn. 

Cao cả hơn, một số nhiếp ảnh gia chụp thiên nhiên vì mong muốn bảo tồn nó. Ví dụ, Ansel Adams nổi tiếng đã nhận được cả Giải thưởng Dịch vụ Bảo tồn và Huân chương Tự do của Tổng thống vì ảnh hưởng của ông tới việc bảo tồn vùng hoang dã và nuôi dưỡng ý thức bảo vệ môi trường. 

Nhiếp ảnh đường phố 

Trước hết, chúng ta cần làm rõ một điều. Nhiếp ảnh đường phố là nhiếp ảnh vị nghệ thuật. Nó đề cao tính chân thực, thẳng thắn, trong đó khoảnh khắc bị đóng băng phải dung hoà được tính ngẫu nhiên, tình cờ nhưng vẫn sâu sắc. Trong nhiếp ảnh, có một thuật ngữ để mô tả điều này là khoảnh khắc quyết định. 

Bức ảnh được chụp bởi Henri Cartier-Bresson, ở Pháp vào năm 1932. Bản quyền ảnh thuộc Magnum Photos.

Sự phát triển của nhiếp ảnh đường phố gắn liền với sự ra đời của máy ảnh cầm tay, cho phép nhiếp ảnh gia nắm bắt những khoảnh khắc đời thường ở nơi công cộng. Giống như nhiếp ảnh phong cảnh, nhiếp ảnh đường phố không nhất thiết (hoặc không cần) sự xuất hiện của con người. Các nhiếp ảnh gia đường phố là một phần tử trong cộng đồng những kẻ dấn thân, tức là họ đi nhiều, quan sát nhiều và trải nghiệm nhiều. 

Nhiếp ảnh thời trang 

Nhiếp ảnh thời trang là một ngành xuất phát từ nhu cầu phái sinh của ngành công nghiệp thời trang. Với sự bùng nổ của thương mại trực tuyến, người tiêu dùng không nhất thiết phải tới tận cửa hàng để thử đồ như trước nữa, giờ đây việc đơn giản cần làm là dạo Insta, lượn SHEIN, tha thẩn ở Shopee để lựa đồ. Do vậy, nhu cầu về ảnh chụp quần áo là rất lớn. 

Harry Styles diện váy lên bìa Vogue năm 2020. 

Nếu yêu thích nhiếp ảnh thời trang cao cấp, bạn có thể theo dõi các tạp chí như Vogue, Vanity Fair, Elle hay Harper's Bazaar. Trên thực tế, lịch sử của nhiếp ảnh thời trang gắn liền với những tạp chí này, trong đó những bức ảnh đầu tiên sử dụng người mẫu được sử dụng và trở nên phổ biến sau Thế chiến thứ hai. 

Nhiếp ảnh tài liệu 

Nhiếp ảnh tài liệu được sử dụng để ghi lại các sự kiện, cột mốc quan trọng trong lịch sử cũng như đời sống hàng ngày. Nó thường được xem là hình thức phóng sự ảnh chuyên nghiệp, nhưng cũng có thể là một hoạt động nghiệp dư, hoặc phục vụ nghệ thuật hay cho mục đích nghiên cứu. 

Susan Sontag từng viết trong Bàn về nhiếp ảnh rằng bức ảnh này tác động tới dư luận phản chiến Mỹ lớn hơn bất cứ chiến dịch hay thước phim nào. Nó được chụp miền Nam nước ta, năm 1972, bởi Nick Út, nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Việt của hãng thông tấn AP

Để lấy ví dụ, các bức ảnh về cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước thời kỳ 1954-75 của Việt Nam ta có thể xem là một tuyển tập các bức ảnh tài liệu quý giá, vừa mang tính lịch sử, ca ngợi truyền thống đánh giặc ngoại xâm ngàn đời của dân tộc; vừa mang tính nghệ thuật, khi nhiếp ảnh gia có thể truyền tải cảm xúc chân thực, sống động tới thế hệ con cháu chỉ qua một khung hình. Chẳng hạn, bức ảnh cô gái Napalm chụp một bé gái (có lẽ chúng ta nên gọi là bà) khoả thân, đang bỏng nặng, khuôn mặt thất thần mếu máo đang chạy về phía ống kính - thực tế đã lay động dư luận phản chiến hơn bất kì thước phim nào. Đó là sức mạnh của nhiếp ảnh, và cũng bởi vậy, nhiếp ảnh tài liệu được coi là nghệ thuật nhiếp ảnh được trọng vọng hơn thảy. 

Đọc thêm: Top 10 Bức Ảnh Mang Tính Biểu Tượng Nhất Mọi Thời Đại Và Câu Chuyện Đằng Sau Chúng.

Nhiếp ảnh kiến trúc 

Chụp ảnh kiến trúc tập trung khắc hoạ vẻ đẹp của thiết kế và chi tiết của các toà nhà và công trình kiến trúc. Nó được yêu cầu phải đảm bảo thể hiện tính nghệ thuật của công trình, đường nét, hình khối, tính đối xứng cũng như ánh sáng để tôn lên vẻ đẹp của đối tượng. 

Khi so sánh với các lĩnh vực nhiếp ảnh khác, thể loại nhiếp ảnh này kém linh hoạt hơn vì nó đòi hỏi nhiếp ảnh gia phải dành một thời gian nhất định để chiêm ngưỡng một khung cảnh hoặc môi trường. Nó không cho phép sự nóng vội.

Bạn có thể chụp nội thất hoặc ngoại thất, hoặc cả hai. 

Chụp ảnh kiến trúc có nhiều mục đích. Có thể là người chụp muốn lưu giữ một cảnh quan đáng nhớ, cũng có thể là… chủ công trình muốn ảnh đẹp để bán với giá hời. Ví dụ, dinh thự 15 triệu đô của vua bóng rổ Michael Jordan thậm chí còn có hẳn một catalog ghi lại từ cổng nhà, sân bóng rổ, phòng khách, bể bơi, v.v để rao bán (trong trường hợp bạn muốn mua, hiện giờ Jordan vẫn chưa bán được cho ai đâu nên có thể yên tâm nhé.) 

Nhiếp ảnh ẩm thực  

Là một nhánh thuộc mảng nhiếp ảnh thương mại, nhiếp ảnh ẩm thực là nghệ thuật tạo ra những bức ảnh tĩnh vật hấp dẫn về món ăn, được sử dụng trong quảng cáo, tạp chí, bao bì, thực đơn nhà hàng hoặc các sách dạy nấu nướng. Nhưng với sự ra đời của mạng xã hội, việc chụp ảnh đồ ăn nghiệp dư đã trở nên vô cùng phổ biến. 

Viết tới đây tôi chợt nhớ tới chuyện ở Nhật Bản khách hàng có quyền đòi bồi thường tiền nếu món ăn không giống trong ảnh trưng bày... 

Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối, do đó, có một vấn đề khá gây tranh cãi thế này: các nhãn hàng phóng đại quá mức độ hấp dẫn của món ăn được quảng cáo, đặc biệt là món ăn nhanh. Đôi khi ảnh chụp món ăn chỉ mang tính chất minh hoạ, giống như bao bì của mì tôm Hảo Hảo. 

Trong công việc, các nhiếp ảnh gia ẩm thực phải hợp tác chặt chẽ với nhà tạo mẫu món ăn, đầu bếp, trợ lý, v.v. Thông thường, hai kỹ thuật được sử dụng phổ biến nhất là chụp cận cảnh và “nét thanh nét đậm” - làm mờ tiền cảnh hoặc hậu cảnh để tôn bật lên chủ thể chính.  

Nhiếp ảnh thể thao 

Trong phần lớn trường hợp, nhiếp ảnh thể thao chuyên nghiệp là một nhánh của nhiếp ảnh báo chí; ngược lại, chụp ảnh thể thao nghiệp dư như hội bóng đá ở quê, là một nhánh của nhiếp ảnh đời thường. 

Một trong những cái hay của nhiếp ảnh gia thể thao là... được tiếp cận thường xuyên với người nổi tiếng.. 

Ứng dụng chính của nhiếp ảnh thể thao chuyên nghiệp là dành cho mục đích biên tập. Các nhiếp ảnh gia này thường làm việc cho các tờ báo, hãng thông tấn, cơ quan truyền thông lớn hoặc tạp chí thể thao chuyên dụng. Tuy nhiên, chụp ảnh thể thao cũng được sử dụng cho mục đích quảng bá nhằm xây dựng thương hiệu, truyền thông về sự kiện thể thao, vận động viên, v.v. 

Nhiếp ảnh quảng cáo 

Như cái tên đã nói hộ, đây là hình thức nhiếp ảnh dùng để quảng bá, xúc tiến cho sản phẩm, dịch vụ của các nhãn hàng. Ngày nay, nhiều bức ảnh quảng cáo có thể được chụp bằng smartphone, đăng tải rộng rãi khắp các nền tảng Instagram, Facebook, TikTok, v.v. Tuy nhiên, đối tượng của ảnh chụp quảng cáo không nhất thiết phải là bản thân sản phẩm, mà phụ thuộc vào thông điệp của chiến dịch truyền thông.

Ví dụ về một chiến dịch của Maybeline; nhiếp ảnh gia sẽ cần làm việc với người thiết kế để cho ra thành phẩ cuối cùng. 

Ví dụ, biển quảng cáo ngoài trời (OOH) của Ecopark không chưng ra những hình ảnh về tòa nhà, căn hộ mà chỉ đơn giản là hình ảnh một cậu nhóc với thông điệp “Bố ơi, mình về Ecopark thôi!” Qua đó, thương hiệu muốn khơi gợi những cảm xúc mạnh mẽ ở khách hàng về gia đình, mái ấm, tình thân,... 

 

“Hãy dùng ảnh chụp để kể chuyện. Ảnh đẹp là một chuyện, nhưng ảnh chụp của bạn phải bổ sung thêm cho văn bản, hoặc ngược lại.”

– David Lebovitz 

 

Ảnh chụp quảng cáo có thể mang tính nghệ thuật, nhưng tất nhiên, mục đích cuối cùng vẫn là để kiếm tiền. Thông thường, ảnh chụp quảng cáo có sứ mệnh phải truyền tải một thông điệp, hoặc phức tạp hơn, một câu chuyện. Bởi vậy, các nhiếp ảnh gia quảng cáo phải phối hợp chặt chẽ với đội ngũ biên tập nội dung để hài hoà cả mặt hình ảnh lẫn câu từ, nhằm đảm bảo hiệu quả truyền thông. 

Chụp ảnh cưới 

Mặc dù việc chọn địa điểm, trang phục hay cách tổ chức là sẽ quyết định phần lớn trải nghiệm ngày cưới của bạn, nhưng việc chọn một nhiếp ảnh gia sẽ có tác động lớn đến cách bạn nhìn lại lễ cưới của mình trong nhiều năm tới. 

Một bức ảnh cưới đẹp thế này không chỉ khiến bạn bè, láng giềng mà còn cả con cháu của bạn phải ngưỡng mộ. 

Chụp ảnh cưới không dễ, nhưng chắc chắn là một trong những thể loại nhiếp ảnh dễ tiếp cận nhất cho tay mơ bởi lý do đơn giản: tất cả mọi người đều sẽ làm đám cưới, dù sớm hay muộn, dù ở thành thị hay nông thôn, và lưu lại một tuyển tập ảnh cưới là việc mà bất cứ cặp vợ chồng nào cũng sẽ làm. 

Có nhiều phong cách chụp ảnh cưới, trong đó nổi bật có thể kể đến phong cách cổ điển, tập trung vào các bức ảnh chân dung được dàn dựng trước, ghi lại những khoảnh khắc quan trọng từ buổi lễ. Cách tiếp cận này có phần gượng ép, do đó ngày nay phong cách hiện đại chú trọng nhiều hơn tới tính chân thực và biểu cảm tự nhiên của cặp đôi, nhiếp ảnh gia có thể để họ chủ động tạo dáng và tập trung ghi lại những khoảnh khắc đáng giá. 

Đọc thêm: 10 Bậc Thầy Nhiếp Ảnh Và Phong Cách Chụp Ảnh Của Họ.



Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Cùng chủ đề

nhiep-anh-va-nhung-ong-kinh-long-lay-21
27 thg 4, 2024

Nhiếp Ảnh Và Những Ống Kính "Lộng Lẫy"

Để bắt đầu bài viết này, chúng tôi xin được chọn câu tuyên ngôn của nhiếp ảnh gia Helmut Newton - một người đã cống hiến hết...

anh-phim-va-anh-ky-thuat-so-co-nhung-uu-va-nhuoc-diem-gi-20
27 thg 4, 2024

Ảnh Phim Và Ảnh Kỹ Thuật Số: Có Những Ưu Và Nhược Điểm Gì?

Trong nhiều năm, các nhiếp ảnh gia chỉ có một lựa chọn duy nhất để chụp ảnh, đó là phim ảnh vật lý. Công nghệ phim đã tồn...

tat-tan-tat-ve-ty-le-vang-the-golden-ratio-trong-nhiep-anh-19
27 thg 4, 2024

Tất Tần Tật Về Tỷ Lệ Vàng (The Golden Ratio) Trong Nhiếp Ảnh

Dù bạn mới tập tành chụp ảnh hay đã cầm máy lâu năm, dù bạn muốn có khởi đầu vững chắc để dấn thân vô nghề nhiếp ảnh hay...

nhung-dua-tre-trong-suong-muon-lam-phim-hay-hoa-nhap-17
27 thg 4, 2024

Những Đứa Trẻ Trong Sương: Muốn Làm Phim, Hãy Hòa Nhập

Phim tài liệu Việt Nam là một trong những thể loại kén người xem và cũng đặc biệt thách thức đối với những người tham gia vào...

7-xu-huong-dinh-hinh-nganh-chup-anh-san-pham-nam-2023-18
27 thg 4, 2024

7 Xu Hướng Định Hình Ngành Chụp Ảnh Sản Phẩm Năm 2023

Theo một báo cáo vào tháng 12 năm 2021 của 1WorldSync, 87% người tiêu dùng đã mua sản phẩm trực tuyến mà trước đó họ đã mua tại cửa...

Liên Kết Chia Sẻ

hello88 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.