Thuyết trình là gì?
Theo từ điển, “thuyết trình” là hoạt động trình bày, trưng bày quan điểm về một vấn đề nào đó thông qua hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng rõ ràng, hệ thống mạch.
Các khái niệm và rất nhiều người cho rằng “thuyết trình là hoạt động trình bày trước đám đông”. Tuy nhiên, xét nghĩa từ góc độ từ đơn, “thuyết trình” có thể diễn ra giữa một người hoặc nhóm người này với một người hoặc nhóm người khác.
Sự phát triển của kỹ năng thuyết trình gắn liền với quá trình trưởng thành của con người, trong đó có sự ảnh hưởng của hoạt động nhận thức, học tập, lao động.
Bạn có thể hình dung, thuyết trình phát triển qua từng giai đoạn như sau:
Thời thơ ấu, khi chúng ta đi học, thuyết trình là đứng lên trước lớp, trả lời cô giáo về câu hỏi: “Ước mơ của em là gì?”, là bày tỏ ý kiến, quan điểm của bản thân trong mỗi bài học. Đó là hình dung thuyết trình ở dạng đơn giản nhất.
Lớn hơn chút nữa, bước vào môi trường đại học, thuyết trình dần trở thành sự chủ động mà mỗi sinh viên được trải qua ít nhất một lần.
Đó là trong những giờ học, bạn tự do bày tỏ quan điểm và góc nhìn thông qua những nghiên cứu, dẫn luận, dẫn chứng thuyết phục.
Đó là khi bạn thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học và bảo vệ nó trước hội đồng chấm.
Đó là khi bạn chuẩn bị hồ sơ du học và trải qua vòng phỏng vấn để được nhận vào ngôi trường mơ ước. v.v…
Đến khi đi làm, thuyết trình trở thành một hoạt động quen thuộc, có thể diễn ra hàng ngày hoặc vài lần trong tuần, tháng như một lẽ cố nhiên.
Bí quyết thuyết trình thành công - mọi người đều muốn nghe bạn nói
Những nỗi lo khi thuyết trình xảy đến với nhiều người chính là: Không biết bản thân nói có tốt không - Không biết có bao nhiêu người đang lắng nghe mình nói - Liệu họ có khó chịu điều gì trong khi mình thuyết trình không?
Vì thế, thuyết trình không đơn giản là đứng trước mặt người khác và nói. Thuyết trình là sự chuẩn bị một cách hoàn hảo về nội dung thuyết trình - ngôn ngữ cơ thể - phong thái khí thế - giọng nói truyền cảm,...
Để thuyết trình thành công, bạn cần chú ý các điểm sau:
Nghệ thuật kể chuyện khi thuyết trình
Phải làm sao để giữ được đôi chân, đôi tai, cảm xúc của người nghe khi những điều bạn sắp nói ra không phải một câu chuyện khôi hài hay một bài thơ da diết?
Đó là lúc mà bạn phải chạm vào cái ham muốn, khao khát được nghe, được biết của họ với cái chủ đề bạn thuyết trình. Và người ta sẽ khao khát, ham muốn khi nào? - Khi họ không có, chưa có - không biết, chưa biết - mà suy xét đến cùng, nó chính là điểm chạm của tri thức và cảm xúc.
Đến đây, chắc hẳn bạn lại nghĩ: thuyết trình về tài chính kinh tế, về chính trị hay toán học thì tạo đâu ra sự hứng thú.
Đó là lúc mà bạn phải mở rộng trí tuệ của chính mình, để khẳng định những thông tin dạng nguyên lý bất biến “1+1=2”, nhưng đồng thời cũng lôi kéo người nghe đến với những con số phía sau dấu phẩy như “2,01234…”.
Ví dụ, khi nhắc đến thất bại trong kinh doanh là “chi phí quá cao, lợi nhuận quá thấp”, bên cạnh các điều kiện xảy ra tình huống này, bạn hoàn toàn có thể liên hệ với câu chuyện thực tế để khiến cho luận điểm thêm sinh động. Cụ thể, chứng minh cho nguyên lý “chi phí quá cao, lợi nhuận quá thấp”, bạn có thể liên kết đến câu chuyện về chiến thắng của vua Pyrros của Epirus (Hy Lạp). Trong giai đoạn 280 - 279 TCN, ông đã hai lần chiến thắng quân đội La Mã, thế nhưng ông cũng phải chịu tổn thất vô cùng nặng nề, tướng lĩnh thân cận và các binh sĩ đều chết trận. Pyrros đã thốt lên rằng, nếu còn thắng kiểu này, tất sẽ bị diệt vong. Ý nghĩa câu chuyện nhấn mạnh vào tổn thất to lớn để đổi lấy lợi ích không đáng kể.
Tất cả những điều này chính là tinh hoa của nghệ thuật thuyết trình. Người khác sẽ chú tâm lắng nghe khi họ thật sự tin tưởng vào những gì mà bạn truyền tải. Để lôi kéo niềm tin, đừng tỏ ra xa cách hay lờ đi những khoảng cách vô hình.
Cách tốt nhất là trò chuyện một cách gần gũi, để họ thấy rằng tất cả chúng ta đều như nhau và khơi dậy sự tò mò, kích thích cái thú muốn được khám phá bên trong những con người đó. Bạn có thể nói về bản thân, về một người khác, hay bắt đầu bằng những câu chuyện thực tế chứa đựng những nỗi lo âu chung.
Một dẫn chứng điển hình cho việc sử dụng nghệ thuật kể chuyện chính là Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong một bài diễn văn của mình, ông đã tạo ra một điểm nhấn quan trọng bằng chính câu chuyện về gia đình của ông, sự trưởng thành của ông trong nhận thức về di sản và nỗ lực bảo vệ di sản Mỹ của Đảng Dân chủ.
“Cha mẹ không chỉ dạy tôi về tình yêu thương, mà còn về truyền cho tôi niềm tin về tương lai nước Mỹ. Họ đặt tên tôi là Barack - nghĩa là may mắn, hạnh phúc, tin tưởng rằng cái tên này sẽ mang lại thành công cho tôi trong một nước Mỹ khoan dung, rộng lượng. Họ hình dung tôi sẽ được học ở những ngôi trường tốt nhất ở Mỹ, dù họ không giàu có, vì trong một nước Mỹ cao thượng thì bạn không cần phải giàu mới đạt được điều tốt nhất và khai phá được tiềm năng của mình.
… Tôi nhận biết được giấc mơ của cha mẹ tôi đang sống trong hai cô con gái yêu quý của tôi. Tôi đứng đây và biết rằng, câu chuyện của mình là một phần trong câu chuyện lớn hơn của nước Mỹ”.
Câu chuyện của Barack Obama có thể chạm tới hàng triệu người bởi nó là một hiện hình sinh động của những người dân nhập cư, của những người da màu, hướng đến những người khao khát và nỗ lực cho “giấc mơ Mỹ”, chạm vào trái tim đồng cảm của những người yêu hòa bình, giàu lòng bác ái.
Ngôn ngữ nội hàm và ngôn ngữ cơ thể
Ngôn ngữ nội hàm và ngôn ngữ cơ thể luôn song hành với nhau để tạo thành một dáng vẻ thuyết trình hoàn hảo nhất về thị giác về thính giác.
Ngôn ngữ nội hàm là sự hình dung những ngôn từ được thể phát qua giọng nói, tạo thành những thanh âm cuốn hút nhờ vào âm lượng, tốc độ, ngữ điệu, truyền cảm, phát âm.
Bên cạnh nội dung ấn tượng, ngôn từ súc tích, thì giọng nói là phương pháp tiếp cận người nghe trực diện nhất.
Người ta ví giọng nói hay giống như dòng nước mát luồn lách qua đôi tai và chảy vào trong trái tim còn chút gì đó khô khan. Hiển nhiên, không thể gắn cho giọng nói cái định kiến: người nam phải nói giọng trầm ấm, người nữ phải nói giọng trong trẻo ủy mị.
Giọng nói hay hoàn toàn có thể luyện mà thành. Chất giọng là do trời phú, và là thứ tạo nên bản sắc. Còn để nói hay, nói khiến cho những người nghe cảm thấy bị lay động, thì cần tới tiêu chuẩn kỹ thuật.
Như đã nhắc ở trên, các tiêu chuẩn cho giọng nói hay gồm:
- Âm lượng đủ nghe, người ngồi gần không bị chói, người ngồi xa cũng không bị nhỏ.
- Tốc độ không nhanh không chậm, để người nghe có thể tiếp nhận trọn vẹn, đầy đủ thông tin và kịp xử lý chúng.
- Phát âm đúng với quy chuẩn phổ thông hiện hành, chú ý ở những chữ có cách phát âm tương đồng như “x - s”, “gi - d - r”, “tr - ch”,...
- Ngữ điệu biến chuyển linh hoạt, sử dụng các cao độ giọng nói lên xuống cao thấp khác nhau để tái hiện thông tin thuyết trình. Ví dụ, khi thuyết trình về bất bình đẳng giới, các thông tin sau sẽ được nhấn mạnh, hoặc nói lặp lại: số liệu, nỗi đau, trường hợp bị tổn thương, biện pháp xử lý. Cũng trong vấn đề đó, chúng ta có thể nhấn vào những từ mang tính chất bắt buộc như “cần làm”, “phải làm”, “hãy làm” từ góc độ cá nhân đến góc độ cộng đồng.
- Và đừng quên truyền cảm xúc vào trong mỗi bài thuyết trình. Nếu bạn đang kể một câu chuyện buồn, hãy bắt đầu thật chậm, trầm và da diết bằng cách kéo dãn âm cuối của những từ biểu lộ cảm xúc. Đồng thời tạo ra những khoảng nghỉ để cảm xúc được lắng xuống và có sức bật cho tình huống bất ngờ tiếp theo. Tương tự, hãy làm thế nếu bạn đang muốn tạo ra những niềm vui.
Gợi ý: Luyện tập kỹ thuật tiêu chuẩn để có giọng nói truyền cảm
Nếu ngôn ngữ nội hàm là những bộc phát bên trong, tiếp cận qua hướng thính giác thì ngôn ngữ cơ thể tác động đến thị giác người nghe.
Ngôn ngữ cơ thể có thật sự cần thiết không?
Trong hoạt động giao tiếp, con người không chỉ truyền đạt thông tin bằng ngôn từ thông qua giọng nói mà còn có những tương tác về ánh mắt, cử chỉ để làm sâu sắc hơn cuộc hội thoại. Giống như khi bạn nói lời yêu, bạn không chỉ dùng những ngôn từ âu yếm, cử chỉ nhẹ nhàng mà còn bộc lộ tình cảm đó thông qua ánh mắt, cái nắm tay hay cái ôm thân mật.
Đối với một hoạt động giao tiếp đặc thù như thuyết trình, ngôn ngữ cơ thể vô cùng quan trọng vì khi người ta bị ấn tượng bởi hình ảnh của bạn, người ta cũng sẽ vô thức bị cuốn vào những gì bạn nói. Đó chính là mối liên hệ của những giác quan, chịu sự chi phối chung của đại não.
Vì thế, khi thuyết trình, ngôn ngữ cơ thể của bạn cần thể hiện qua những yếu tố sau:
- Tương tác bằng ánh mắt: Dựa trên nội dung thuyết trình, hãy bộc lộ cảm xúc thông qua ánh mắt và nhìn sâu vào những đôi mắt khác. Đừng lo lắng gì cả, bởi vì, dù bạn đứng trước hàng trăm người, hàng chục người hay chỉ một người, bạn vẫn sẽ luôn là bạn và cái người ta tìm ở bạn cũng chính là bản thể rõ ràng đó.
- Tương tác bằng cử chỉ: Những cử chỉ (chủ yếu là tay) đều để hỗ trợ và tăng sức biểu cảm của vấn đề. Hẳn là bạn đã thấy các ứng cử viên khi tranh cử Tổng thống, khi đứng lên và nói về giấc mơ của mình, đều sử dụng những động tác đưa tay về phía người nghe, nắm tay quyết thắng,... Những động tác đó làm gia tăng sự quyết liệt trong đấu tranh, sự dứt khoát trong quan điểm, và sự quyết tâm phải chiến thắng và ngồi vào vị trí Tổng thống.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump
Bạn có thể chọn không thực hiện những cử chỉ này, nó không quyết định 100% thành công ở những buổi thuyết trình quy mô nhỏ và đơn giản, nhưng đừng quên học nó, vì ngôn ngữ cơ thể lúc nào cũng cần thiết cho mọi cuộc giao tiếp.
Muốn người khác lắng nghe, bạn cũng phải lắng nghe
Thuyết trình được coi là hoạt động giao tiếp đặc thù, và nếu là giao tiếp, đừng nói một mình.
Hiện nay, có rất nhiều người mắc phải cùng một sai lầm khi thuyết trình, đó là đứng lên, nhìn vào giấy, hoặc powerpoint và nói một mạch đến khi kết thúc toàn bộ nội dung. Đây là điều mà những người tinh tế và dành thời gian tìm hiểu, học hỏi về thuyết trình sẽ không bao giờ làm.
Khi bạn đặt ra những câu hỏi: “Tại sao họ không nghe mình nói? Tại sao mọi người có vẻ chán nản?” thì cùng lúc đó, hãy tự hỏi ngược lại bản thân về những điều đã làm trong buổi thuyết trình. Đa phần người nghe thấy chán vì phải tiếp nhận một lượng thông tin mới (hoặc không) bằng chất giọng đều đều và liên tục. Thậm chí, có những trường hợp, họ không quá cần sự đột phá về nội dung. Họ chỉ mong muốn một phương thức thuyết trình khác khiến cho thời gian bớt lãng phí và bầu không khí cũng bớt trầm lắng.
Hiện tượng này thấy nhiều nhất trong môi trường Đại học. Các bạn sinh viên chưa có đầy đủ khả năng thuyết trình, nên khi nhận nhiệm vụ, họ rất lúng túng, và chỉ lo làm sao nói được hết thông tin, hoàn thành bài tập.
Với những bài tập, dự án có kết quả nghiên cứu dài, lớn, nếu như bạn cứ tiếp tục nhìn giấy hoặc nhìn slides đọc, thì chắc chắn tình trạng người nghe người không vẫn còn diễn ra. Có thể bạn cho rằng, ai có nhu cầu thì nghe. Nhưng thuyết trình vốn là quá trình thuyết phục người khác tin vào quan điểm của mình, và nếu bạn không thu hút được đa số, đó là một buổi thuyết trình thất bại.
Muốn người khác nghe mình, thì mình cũng cần lắng nghe họ.
Thay vì nói một mình, bạn cần tạo ra sự tương tác với những người nghe phía dưới.
Bạn có thể chọn những câu hỏi thực tế, liên kết với mối quan hệ của họ trong tương quan với nội dung thuyết trình, thôi việc tranh luận của họ.
Hoặc bạn có thể tạo ra những trò chơi nhỏ, vừa làm thay đổi bầu không khí, vừa nhắc nhở người nghe, chúng ta cùng nhau tham gia một cuộc giao tiếp.
Đôi khi, họ cũng muốn phản bác, muốn nêu ra quan điểm của mình, muốn đặt câu hỏi nhưng vô ngại và không muốn cắt ngang. Như vậy, người nói chủ động trước, mở cho họ một đường đi, sẽ thay đổi thế hoàn toàn của họ và không khí buổi thuyết trình.
Xem thêm: 5 Element tạo nên một MC chuyên nghiệp