Kinh Doanh

Kinh Đô Giải Trí Hollywood Đình Trệ Vì Biên Kịch Và Diễn Viên Quyết Tâm Không Đi Làm

27 thg 4, 2024

Hàng loạt các bộ phim bom tấn của Hollywood bị hoãn vô thời hạn vì giới biên kịch và diễn viên rủ nhau ra đường biểu tình, kiên...

kinh-do-giai-tri-hollywood-dinh-tre-vi-bien-kich-va-dien-vien-quyet-tam-khong-di-lam-220

Đặt Vấn Đề

Sau khi các cuộc đàm phán giữa đại diện các hãng phim — Liên minh các nhà sản xuất phim và truyền hình (AMPTP) và Hiệp hội Diễn viên màn ảnh (SAG-AFTRA) không tìm được tiếng nói chung, các diễn viên Hollywood đã đổ xô ra đường đình công vào ngày 14 tháng 7 vừa qua. 

Điều này có nghĩa là các diễn viên sẽ gia nhập làn sóng biểu tình gay gắt trước đó của các biên kịch, đánh dấu lần đầu tiên trong 63 năm qua, cả hai công đoàn đã thực hiện hành động đình công đồng thời, tạo nên một trong những cuộc đình công có quy mô lớn nhất lịch sử. 

Làn sóng biểu tình dữ dội của các diễn viên, biên kịch đang đe dọa làm đình trệ gần như tất cả dự án phim ảnh và chương trình truyền hình của Hollywood. Nếu tình trạng này kéo dài, thiệt hại mà kinh đô điện ảnh phải gánh chịu ước tính sẽ lên tới hàng tỷ đô la. 

Bất chấp thực tế đó, các hãng phim lớn như Netflix, Disney Plus, Paramount Plus, NBC Universal, Amazon hay Sony vẫn kiên quyết không đáp ứng yêu cầu từ phía người lao động. Vấn đề này có hẳn là chỉ xoay quanh tiền thôi không? Và các hãng phim có hẳn là kẻ phản diện trong câu chuyện này? 

Hãy cùng tìm hiểu. 

Thế Tiến Thoái Lưỡng Nan Của Các Ông Lớn 

Các ông lớn như Netflix, Disney, HBO Max hay Paramount trở thành kẻ đứng mũi chịu sào trong câu chuyện này — khi chịu áp lực gay gắt từ Phố Wall để làm cho dịch vụ phát triển trực tuyến của họ có lãi sau khi bơm hàng tỷ đô la để thu hút người đăng ký. 

Quả thực các hãng phim đã làm được, với “giúp đỡ” của Đại dịch Covid-19. Bị phong tỏa, người dân không ra rạp được, việc xem phim trên các nền tảng trực tuyến vô cùng phổ biến và đem lại nguồn thu khổng lồ. 

Tuy nhiên đó cũng chính là vấn đề. Mặc dù kiếm bộn tiền từ những bộ phim có lượt xem cao, các biên kịch nhận thấy nhuận bút của mình không thay đổi là mấy, trong khi lạm phát thì tăng liên tục. Các diễn viên cũng lắc đầu rằng họ không nhận được khoản thanh toán bổ sung trên, vậy số tiền đó bay đi đâu? 

Có lẽ là vào túi các nhà đầu tư. 

Rõ ràng, các hãng phim đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: một bên có nghĩa vụ phải bơm tiền đầy túi các cổ đông, một bên là trách nhiệm phải lo miếng cơm manh áo cho các cộng sự. 

Giờ hãy quay sang phía các biên kịch và diễn viên. 

Các Biên Kịch Và Diễn Viên Muốn Gì? 

WGA và SAG-AFTRA yêu cầu tăng thù lao cơ bản, các quyền lợi bảo vệ lợi ích của họ trong kỷ nguyên truyền hình trực tuyến phát triển cùng với sự đảm bảo tác phẩm của họ không bị trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế trong tương lai. 

Thêm Tiền 

Trong khi lạm phát tăng cao thì thù lao của các biên kịch, diễn viên có xu hướng không đổi suốt những năm qua. Theo nguồn tin từ tờ The Guardian, ngoại trừ những siêu sao điện ảnh, các diễn viên khác đều rơi vào cảnh lao đao và phải làm 3-4 công việc cùng lúc. Một số còn kiếm không đủ để chi trả tiền bảo hiểm. 

Sự bùng nổ của hình thức xem phim trực tuyến đáng ra phải đem lại cho các biên kịch, diễn viên nguồn thu nhập phụ trợ nhưng không. Họ không nhận được đồng nào cả. Các nhà sản xuất đóng máy, thanh toán và bảo họ ra về. Đó là lần duy nhất họ được trả tiền, cho dù bộ phim đó có được phát sóng hàng triệu lần sau này đi chăng nữa. 

Vào năm 2008, Damon Lindelof — biên kịch của Lost (2004-2010)— cho biết khi kịch bản phim do anh viết phủ sóng trên Apple Store, anh hy vọng sẽ nhận được số tiền tương ứng với những sáng tạo của mình. 

Tuy nhiên, mức thù lao anh nhận về không có gì đột biến dù phim thu hút rất nhiều lượt xem và quảng cáo. Ngó sang các nhà biên kịch khác, Damon thấy họ cũng chẳng khác mình là bao, vì vậy họ tập hợp lại và tiến hành đình công. 

Hiệp hội Nhà văn Hoa Kỳ (WGA) từng tiến hành đình công vào 2007-2008 trong vòng 3 tháng 

Cuộc đình công sau đó được dập tắt, ngọn lửa tạm thời lắng xuống trong 1 thập kỷ rồi lại bùng lên trong nửa đầu năm nay, khi nhiều nhà biên kịch xác nhận sẵn sàng nghỉ việc vì những điều mà các đế chế phim trực tuyến như Netflix đang làm đã khiến nhiều người khó mà trụ vững ở các thành phố đắt đỏ như New York hay Los Angeles. 

Hạn Chế Sử Dụng Trí Tuệ Nhân Tạo 

WGA đại diện cho các biên kịch, yêu cầu các biện pháp bảo vệ để ngăn các hãng phim sử dụng AI để tạo ra các kịch bản mới từ tác phẩm trước đó của họ. Tệ hại hơn, họ tiết lộ bản thân bị nhà sản xuất yêu cầu viết lại các bản nháp do AI tạo ra, một việc mà theo tôi không khác nào sỉ nhục sự sáng tạo. 

"AI không phải nuôi con" 

Về phía SAG-AFTRA, các diễn viên yêu cầu phía hãng phim chấm dứt kế hoạch sử dụng AI để tạo ra “bản sao” của họ. Đề nghị này có lẽ bắt nguồn từ động thái gần đây của Netflix như sau. 

Cụ thể, cuộc đình công đang diễn ra dầu sôi lửa bỏng thì hãng Netflix bất ngờ đăng tin tuyển dụng vị trí quản lý sản phẩm AI (AI Product Manager) với mức lương khủng lên tới… 900.000 đô la/năm. Nên nhớ, tiền lương trung bình của diễn viên tại Hollywood chỉ có 26.000 đô la/năm mà thôi! 

Trong JD (Job Description), Netflix ghi rõ AI sẽ được sử dụng để “tạo ra những nội dung tuyệt vời” chứ không chỉ dùng AI để… viết kịch bản. Đây có vẻ như là một cách khác để khẳng định biên kịch không phải người duy nhất bị thay thế bởi AI. 

Đồng thời, Netflix đã khởi xướng một đề xuất được xem là đột phá về AI khi họ sẽ scan (quét mặt) hình ảnh của các diễn viên quần chúng và trả tiền công một lần duy nhất — để rồi sau này có thể dùng những hình ảnh đó mãi mãi trong các dự án nào mà họ muốn — và tất nhiên là không cần sự đồng ý của diễn viên hay phải đền bù cho họ. 

Nói là làm, Netflix đã khởi động các series có sự can thiệp sâu của AI. Vào ngày 6/7, gã khổng lồ này đã công chiếu loạt chương trình thực tế về hẹn hò của Tây Ban Nha mang tên Deep Fake Love, trong đó scan mặt và cơ thể của những người tham gia và công nghệ AI deepfake để tạo ra “bản sao” của chính họ. 

Vấn Nạn Mini-room 

Thuật ngữ mini-room (căn phòng nhỏ) ám chỉ việc các nhà sản xuất chỉ sử dụng một số ít biên kịch cốt cán, trong khi đó phần lớn là thuê các biên kịch tự do theo từng dự án. 

Nói đơn giản, nó giống việc các quán cà phê vào dịp lễ hay tuyển thêm nhân viên thời vụ trong khi vẫn duy trì đội ngũ nhân viên chính thức của quán. 

Vậy là sự việc nó thành ra như này: các nhà biên kịch tự do được gọi đến và tập trung tất cả vào một căn phòng. Ở đây, việc duy nhất họ được phép làm là viết kịch bản. Trong khi đó, số lượng tập của mỗi mùa phim ngày càng rút ngắn, thời gian giữa các mùa thu hẹp lại để đảm bảo tiến độ sản xuất hàng loạt. 

Số lượng các tập phim trong một mùa bây giờ ngày càng rút ngắn. Hãy nhìn vào series F.R.I.E.N.D.S, có 10 mùa và chỉ duy nhất mùa cuối là dưới 20 tập. 

Một mùa phim trong quá khứ có thể kéo dài tới cả năm, trong khi bây giờ chỉ vỏn vẹn 2-3 tháng. Họ sẽ cặm cụi viết, gửi bản thảo đi và sau vài lần góp ý chỉnh sửa, được thông qua, nhận tiền rồi về nhà tìm việc mới. 

Việc này rõ ràng không đảm bảo công ăn việc làm cho những biên kịch tự do. Họ luôn phải viết với một tâm trí bị đè nặng khi tiền kiếm không đủ trang trải, mà việc chưa xong đã phải lặn lội tìm việc mới. 

Tuy nhiên đó chưa phải điều tồi tệ nhất mà mini-rooms đem đến. Theo nhà văn George R. R. Martin, tác giả The Song of Ice and Fire, nguyên tác của series phim nổi tiếng Game of Thrones (Trò Chơi Vương Quyền) — mini-rooms có ảnh hưởng tiêu cực tới lộ trình thăng tiến trong sự nghiệp một biên kịch. 

Cái giá của chuyên môn hóa 

Trong quá khứ, khi một mùa phim thường kéo dài tới cả năm và dường như được trau chuốt hơn — việc các biên kịch tham gia thảo luận với đội ngũ sản xuất là điều cần thiết. 

Nói cách khác, các phòng ban hoạt động như một khối chung, người này học hỏi người kia và qua đó, nhiều biên kịch đã phát triển các kỹ năng nghề nghiệp tới mức không còn đi viết thuê nữa mà có thể tự sản xuất bộ phim của mình, dựa trên những vốn liếng thực tế mà họ thu thập được khi làm việc. 

Trái lại, giờ đây một biên kịch có thể viết hàng trăm kịch bản ngắn dài, tham gia hàng loạt dự án lớn nhỏ nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức một người viết thuê. Họ làm việc trong một căn phòng “chỉ gồm các biên kịch”, chuyên môn hóa tới mức khắc nghiệt và lúc nào cũng viết trong vội vã cho kịp tiến độ. 

Những biên kịch bước đến trường quay như một vị khách vãng lai, nơi mà anh ta chẳng bao giờ có cơ hội được đứng ngang hàng với đạo diễn để thảo luận góp ý. Anh ta chẳng biết biên tập viên làm gì với bản nháp của mình, chẳng biết công việc của từng thành viên trong đoàn ra sao. Theo Martin, nó còn tệ hơn khi một số biên kịch còn bị cấm nói chuyện với diễn viên. 

Vậy đấy, các nhà sản xuất sẽ liên hệ họ khi cần, trả tiền, đóng gói và gửi thẳng họ về nhà ngay khi xong việc. Tại nhà, họ soi gương và nhận thấy ngoài viết ra, họ chẳng biết thêm được gì về quy trình sản xuất cả — cái cỗ máy mà họ là một bánh răng trong đó. Họ nhận thấy thứ duy nhất mình cầm về là tiền và những tri thức không được khai sáng. 

Nấc thang sự nghiệp từng nâng đỡ các biên kịch trở thành các nhà sản xuất tài ba nay hóa thành tro bụi, và nhiều cây viết miệt mài thâu đêm suốt sáng để rồi nhận ra không có cánh cửa cơ hội nào mở ra với họ cả, rằng từ trước tới nay họ vẫn chỉ dậm chân tại chỗ. 

Thật đáng buồn, vì vốn dĩ chúng ta không lớn lên bằng tiền mà bằng trải nghiệm, nhưng trải nghiệm cũng hóa xa xỉ trong một guồng quay điên cuồng xoay bánh chỉ vì lợi nhuận như thế. 

Thiệt Hại Ước Tính Lên Tới Hàng Tỷ Đô La 

Cũng như các cuộc đình công của biên kịch trước đây, các hãng phim sớm đã tích trữ một số kịch bản nhất định. Các chương trình đầu tiên chịu ảnh hưởng là những chương trình dựa trên nội dung thời sự — Saturday Night Live và các chương trình trò chuyện đêm khuya sẽ gục ngã ngay lập tức. 

Tiêu biểu, nhiều chương trình như Jimmy Kimmel Live, The Tonight Show Starring Jimmy Fallon và các chương trình đêm khuya khác đã hủy các tập mới sau khi đội ngũ biên kịch đình công. Ngó sang màn ảnh rộng thì Deadpool 3, Venom 3 hay Wicked của Ariana Grande cũng tạm hoãn vô thời hạn. 

Cách đây 15 năm, giai đoạn 2007-2008, đội ngũ biên kịch tại Hollywood cũng đã từng ngừng làm việc để phản đối về tiền thù lao quá ít ỏi. Cuộc đình công gần 100 ngày gây thiệt hại cho nền kinh tế California nói riêng ước tính khoảng 2,1 tỷ đô la. 

Trong cuộc đình công lần này, thiệt hại ước tính có thể vượt xa con số đó nếu còn tiếp diễn trong thời gian dài. 

Và tất nhiên rồi, các hãng phim không đi đến thỏa thuận sớm thì chúng ta cứ chắc chắn là còn lâu mới có phim hay để xem. 


Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Cùng chủ đề

tai-sao-chung-ta-me-man-cac-san-pham-cua-apple-231
27 thg 4, 2024

Tại Sao Chúng Ta Mê Mẩn Các Sản Phẩm Của Apple?

Hầu hết mọi người đều hiểu thực tế rằng Apple đã để thua trong trận chiến PC với Microsoft và chỉ khi Apple cho ra đời iPod và sau...

victorias-secret-thanh-cong-pha-san-tu-tu-230
27 thg 4, 2024

Victoria's Secret: Thành Công, Phá Sản, Tử Tự.

Một buổi sáng bình minh tháng 8 năm 1993, Roy Larson Raymond, một doanh nhân tài ba, người sáng lập chuỗi cửa hàng nội y Victoria’s Secret...

10-cau-chuyen-thu-vi-ve-thuong-hieu-nike-229
27 thg 4, 2024

10 Câu Chuyện Thú Vị Về Thương Hiệu NIKE

Tôi luôn ấn tượng với Nike. Tôi xỏ Nike Cortez để chạy bộ, Nike Air Force 1 để đi học và giày bóng rổ thì có cả tá đôi với biểu...

de-che-ty-do-nike-va-nguoi-dan-ong-dung-sau-no-228
27 thg 4, 2024

Đế Chế Tỷ Đô Nike Và Người Đàn Ông Đứng Sau Nó

Trẻ tuổi, xông xáo, thiếu tiền nhưng thừa nhiệt huyết, chàng trai Phil Knight 24 tuổi vay bố 50 đô để thực hiện Ý tưởng Điên rồ...

nike-da-bo-lo-ban-hop-dong-ty-do-voi-stephen-curry-nhu-the-nao-227
27 thg 4, 2024

Nike Đã Bỏ Lỡ Bản Hợp Đồng Tỷ Đô Với Stephen Curry Như Thế Nào?

Stephen Curry là một trong những gương mặt sáng giá nhất Giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA) trong 10 năm trở lại đây. Lên ngôi vô địch 4...

Liên Kết Chia Sẻ

hello88 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.