“Steph-on”??
Nike không phải một công ty giày bình thường. Họ đã thống trị thị trường giày thể thao suốt hai thập kỷ kể từ thời Jordan. Theo Nick DePaula của The Vertical, Nike đã ký hợp đồng với 68% cầu thủ tại NBA, hơn 74% nếu tính cả công ty con Jordan Brand. Sự thống trị của Nike đối với người tiêu dùng còn khủng khiếp hơn: theo Forbes, Nike chiếm 95,5% thị phần giày thể thao bóng rổ vào năm 2014.
Kết thúc mùa giải 2012-2013, Nike lần đầu tiên có cơ hội gặp mặt Curry, lúc này chỉ có thể là gọi “ngôi sao đang lên”. Thực tế, Curry vốn dĩ là một "fan ruột" của Nike – anh đi giày của hãng trong mọi trận đấu suốt 4 năm trước đó.
Vì vậy, cuộc thương lượng được cho sẽ sẽ kết thúc trong êm đẹp.
Buổi họp tháng 8 diễn ra trên tầng 2 của khách sạn Oakland Marriott. Nhà môi giới nổi tiếng của Nike, Lynn Merritt đã vắng mặt mà không có lý do — dấu hiệu đầu tiên cho thấy mức độ ưu tiên nhỏ bé Nike dành cho Curry.
“Cuộc họp bắt đầu, theo Dell, cha của Steph, đã bắt đầu với việc một quan chức của Nike vô tình gọi Stephen là ‘Steph-on’.”
Sau khi đọc nhầm tên của Curry, có hai điều ngạc nhiên diễn ra sau đó.
Thứ nhất, đội ngũ Nike không hề biết là mình đã đọc nhầm tên, do đó họ không sửa hay xin lỗi gì cả.
Thứ hai, thú vị hơn, Nike đã dành tặng bố con Curry một bản powerpoint nham nhở và thậm chí còn hiện lên dòng chữ Kevin Durant, tên của một cầu thủ khác.
Rõ ràng, Nike không hề chuẩn bị trước cho buổi thuyết trình này. Bản trình chiếu kia không hề được thiết kế riêng cho Curry, như thể Nike lôi nó ra từ một thư mục bất kỳ rồi đem ra chào hàng vậy.
Ông Dell giận lắm, nhưng vẫn nhẫn nhịn để “giữ bộ mặt poker” như thể cực kỳ tập trung — trong khi thật sự thì vào khoảnh khắc đó, Nike gần như đã để tuột mất Curry rồi.
Trong cuộc họp, ông Dell cũng để ý rõ Nike không hề tin tưởng Curry sẽ trở thành bộ mặt của hãng, vậy nên họ cũng chẳng xem trọng vụ thương lượng này lắm. Dù gì thì Nike cũng đã có 3 siêu sao Kobe, LeBron và Durant, vậy nên nếu thêm Curry vào thì anh sẽ chỉ ở hạng B mà thôi.
Tuy nhiên vẫn còn chút hy vọng để vớt vát: Stephen Curry muốn Nike tài trợ cho mình một trại hè, nơi anh có thể thu hút các cậu nhóc và dạy dỗ thế hệ trẻ, để có những trải nghiệm ý nghĩa hơn là việc cho chữ ký hoặc tặng áo đơn thuần.
Khi còn trẻ, Curry đã đến trại của Chris Paul (một tên tuổi cũng rất nổi tiếng tại NBA) và trải nghiệm đó để lại trong anh ấn tượng sâu sắc. Curry rất ngưỡng mộ người đàn anh và thầm ao ước sau này mình cũng sẽ có cơ hội tổ chức một trại hè như vậy.
Đối với Curry, điều anh thực sự muốn trong thương vụ này chỉ có thế. Chính mùa hè năm đó, trong khi Kyrie Irving và Anthony Davis — hai tân binh “vào đời” sau cả Curry còn có trại hè — trong khi Curry không có cái nào cả.
Phi vụ thế kỷ của Under Armour
Trước tình cảnh đó, Dell chỉ đơn giản nói với con trai: “Đừng ngại thử điều gì đó mới mẻ”. Steph Curry rất vui mừng khi cha khích lệ như vậy, và Nike chính là đòn bẩy giúp anh đưa ra quyết định về với Under Armour.
Under Armour cho Curry trại hè mà anh mong muốn, và ngược lại, Curry sẽ chỉ được phép diện các sản phẩm của Under Armor cho đến năm 2024. Curry đã không làm mọi người thất vọng, anh vào All-Star ba năm liên tiếp, trở thành gương mặt đại diện mới của NBA và là thần tượng của hàng triệu người hâm mộ bóng rổ.
Cùng lúc đó, việc kinh doanh tại Under Armour cũng lên như diều gặp gió. Năm 2016, tờ Business Insider có đăng tải một ghi chú từ nhà phân tích Jay Sole về triển vọng kinh doanh của Under Armour. Báo cáo chỉ rõ, giá trị tiềm năng của Curry đối với công ty lên tới hơn 14 tỷ đô la: “Doanh số bán giày bóng rổ tại Mỹ của UA đã tăng hơn 350% so với đầu năm. Dòng giày của Curry đã vượt qua cả LeBron, Kobe và mọi cầu thủ khác ngoại trừ Michael Jordan.”
>>> Người Phụ Nữ Đã Thay Đổi Vận Mệnh Của Cả Michael Jordan Và Nike Là Ai?
Bài học kinh nghiệm
Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm, nhưng đó không thể xem như lời biện bạch cho sự thiếu tôn trọng và bất cẩn mà Nike đã đối đãi với Curry được. Bạn thấy không, chỉ một lỗi phát âm nhỏ và chút sơ sẩy kỹ thuật đã khiến bạn mất đi cơ hội kinh doanh trong tương lai. Quan trọng nhất, những lỗi sai không đáng có đó có thể ảnh hưởng xấu tới hình ảnh thương hiệu và danh tiếng của công ty bạn.
Và cuối cùng, đừng bao giờ mời chào khách hàng bằng một bài thuyết trình sơ sài được làm theo cách rập khuôn, mà thay vào đó hãy tập trung vào từng khách hàng để cá nhân hóa trải nghiệm của họ.
Thật bất ngờ khi Nike, một công ty có hàng chục năm kinh nghiệm và được mệnh danh là “có thể được nhận biết tại bất cứ đâu trên thế giới”, lại mắc những sai lầm ngớ ngẩn như vậy.