Sự Ra Đời Của Từ Điển Oxford
Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới, chắc chắn rồi. Nhưng thật khó để tưởng tượng cho đến thế kỷ 19, vẫn chưa có bất cứ một cuốn từ điển tiếng Anh hoàn chỉnh nào cả. Cuốn duy nhất tồn tại ở thời điểm đó là cuốn từ điển năm 1755 do Samuel Johnson biên soạn và hiệu đính.
Tháng 11 năm 1857, các thành viên của Hiệp hội Triết học London đã ngồi lại để nghe một bài báo của Trưởng khoa Westminster, Richard Trench; trong đó lập luận rằng hệ thống bảo quản từ của tiếng Anh đã quá lỗi thời và thiếu sót đến mức nhiệm vụ ngay bây giờ là tạo nên một cuốn từ điển mới — một người kế vị xứng đáng cho từ điển của Johnson.
Bài phát biểu này đã khai sinh ra Từ điển Oxford mà chúng ta vẫn sử dụng ngày nay. Nhưng đó không phải việc có thể hoàn thành trong một sớm một chiều, vả lại còn gặp vô số trắc trở dọc đường đi.
Biên tập viên đầu tiên của dự án đột ngột qua đời, và người được bổ nhiệm tiếp đó dành phần lớn thời gian để lui tới các khu đèn đỏ của nước Anh thời Victoria, tranh luận về chủ nghĩa xã hội và nhậu nhẹt tới say mèm thay vì nghiên cứu từ điển.
Dự án chỉ thực sự bắt đầu khi một giáo viên và nhà ngôn ngữ học có thể nói là vô danh — James Murray, đảm nhận vị trí biên tập viên. Đó là năm 1879.
Hội đồng yêu cầu việc xây dựng từ điển phải đi kèm với một ví dụ, bao gồm cả ngày tháng và cách sử dụng. Nhiệm vụ của Murray có thể nói là quá sức đối với một con người — dù có uyên bác tới đâu.
Trong cái khó ló cái khôn, Murray cho đăng quảng cáo trên tất cả các tờ báo hàng đầu của Anh về dự án. Ông sẽ rất biết ơn nếu mỗi ‘tình nguyện viên’ bỏ chút thời gian ghi chú các từ, ý nghĩa của chúng và nơi chúng xuất hiện lần đầu tiên.
Tức thì, Murray ngập ngụa trong hàng nghìn lá thư đóng góp từ các độc giả. Nhưng kể cả thế, không phải lá thư nào cũng rõ ràng rành mạch mà phần lớn là những trích dẫn rời rạc, lộn xộn chẳng đâu vào đâu.
Công việc này kéo dài gần như vô tận (cuối cùng phải mất khoảng 70 năm). Ông mất vài năm cho mỗi lá thư mình nhận được. Và hiển nhiên, niềm tin của Murray vào công việc mình đang làm bắt đầu lung lay.
Cho tới khi…
Cơn Bão Thư Từ
Vào năm 1881, ông bắt đầu nhận được thư trả lời từ Tiến sĩ W. C. Minor. Đó chỉ là cơn mưa đầu xuân nhẹ nhàng cho cơn bão thư từ kéo dài suốt 20 năm sau đó giữa hai người đàn ông, vì đóng góp của Minor cuối cùng lên tới con số hơn 10.000 từ.
Murray sau đó đã thừa nhận nếu không có sự đóng góp của Minor, Từ điển Oxford sẽ có hơn 4 thế kỷ từ bị sót.
Trong phần lời tựa cho cuốn từ điển, James Murray bày tỏ lòng biết ơn của mình:
“Sự giúp đỡ không mệt mỏi của Tiến sĩ W. C. Minor đã mang lại những giá trị quý báu trong việc cải tiến cách diễn giải của chúng tôi về lịch sử văn học của các từ, cụm từ và cấu trúc từ, mỗi tuần ông đều cung cấp các trích dẫn bổ sung cho các từ đang được chuẩn chi cho báo chí.”
Tính tới năm 1889, James Murray và Tiến sĩ Minor đã giữ liên lạc trong 8 năm nhưng không hề gặp mặt. Lúc đó, Murray cho rằng Minor hẳn là “một người hành nghề y có sở thích văn học và rất rảnh rỗi.”
Bất ngờ một ngày nọ, Thủ thư của Đại học Harvard — trong một chuyến viếng thăm nước Anh — bỗng cảm ơn Murray vì đã rất tử tế với “Tiến sĩ Minor tội nghiệp của chúng tôi”. “Ý ông là sao?” Murray hỏi lại.
Chỉ tới lúc đó, Murray mới biết vị tiến sĩ kia, hóa ra lại là một tên tù nhân phạm tội giết người.
Màn Chuộc Lỗi Vĩ Đại
Từng chiến đấu trong Nội chiến, Minor là một bác sĩ phẫu thuật quân đội. Mỗi ngày, hàng dài thân thể la liệt chờ bàn tay ông ban phép màu. Người mất chân, người mất tay, người thì bỏng nặng phải băng bó toàn thân — cảnh tượng hãi hùng này đã ám ảnh tâm trí người bác sĩ và Minor bắt đầu có dấu hiệu của chứng hoang tưởng.
Sau Chiến tranh, ông di cư đến London, tìm kiếm một nơi có khí hậu tốt hơn để cải thiện bệnh tình của mình. Nhưng một sự cố ngoài ý muốn đã xảy ra và lập tức thay đổi số phận ông mãi mãi.
Một trong những khu vực khét tiếng, bẩn thỉu và tội phạm hoành hành nhất London thời Victoria lúc đó là Lambeth Marsh. Đó là nơi đầy rẫy những tên trộm, ma cô và gái điếm — một nơi như thể bước ra từ những trang tiểu thuyết của Dickens.
Tại đây, Minor — vốn lui tới những khu đèn đỏ khá thường xuyên — bị ám ảnh bởi chứng hoang tưởng nghiêm trọng, đã tiễn George Merret về với Chúa sớm hơn dự kiến bằng cách găm một viên đạn vào người anh ta. Minor tưởng Merret là một tên trộm trong khi anh ta chỉ là một người đàn ông thuộc tầng lớp lao động tại London.
Minor bị bắt và gửi đến Broadmoor, trại tâm thần khét tiếng ở Crowthorne. Nhưng nhờ lương hưu quân đội và bản thân cũng rất gương mẫu, người ta đối tốt với ông hơn. Dần dà, ông có một căn phòng riêng và được phép mua sách.
Chính qua những thư từ trao đổi với người bán sách, Minor biết tới quảng cáo của Murray. Kể từ đó, mỗi cuốn sách trên kệ đều trở thành một câu trích dẫn, được viết nắn nót trên giấy và sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái, sau đó được Minor gửi cho Murray hàng tuần — đều đặn trong hơn 20 năm. Murray sau này đã khẳng định, đóng góp của Minor có thể lên đến con số 10.000 từ.
Theo cách nói của Simon Winchester, tác giả cuốn sách thuật lại câu chuyện giữa Murray và Minor: “Tiến sĩ William C. Minor, tên sát nhân và kẻ mất trí, người đã chuộc lỗi bằng cách thực hiện một trong những đóng góp vĩ đại nhất cho ngôn ngữ tiếng Anh.”
Tuy nhiên, bất chấp đóng góp to lớn của Minor, chính quyền vẫn một mực từ chổi để ông ra khỏi Broadmoor. Khi thế kỷ 18 chuẩn bị khép lại, James Murray đã gửi đi hàng chục lá thư thỉnh cầu các cấp quan chức lãnh đạo để Minor ra đi.
Đó là những lá thư một chiều.
Murray vẫn kiên trì gửi thêm, cho rằng trại tâm thần không phải là nơi thích hợp dành cho một người đàn ông tầm cỡ như Minor. Trong khi đó, tình trạng của Minor đang xấu đi và chứng hoang tưởng hành hạ ông từng ngày.
Chỉ đến năm 1910, những lời thỉnh cầu của Murray mới được chấp thuận, khi chúng may mắn tới tay một thư ký trẻ tuổi có sở thích hút xì gà và uống rượu whisky tên Winston Churchill.
Cuối cùng, Minor được thả khỏi St. Elizabeth và được đưa đến bệnh viện dành cho người già mất trí ở Hartford. Ông mất năm 1922, bảy năm sau khi Giáo sư Murray qua đời.
Người Sáng Tạo Có Thể Học Được Gì Từ Câu Chuyện Này?
Minor vốn là người hiểu biết sâu rộng, thêm vào đó là tình yêu với ngôn ngữ đến cháy bỏng, nhưng quan trọng nhất là ông… thừa thời gian. Từ khi biết tới dự án của Murray, đọc và viết trở thành lý tưởng trong ông.
Ngày Murray gặp mặt Minor trong căn phòng giam được trang hoàng như một thư viện, ông đã thừa nhận nếu không có sự đóng góp của Minor, Từ điển Oxford sẽ thiếu sót hàng ngàn từ trong suốt bốn thế kỷ, và có thể ông sẽ ra đi trước khi dự án này kết thúc.
Tuy nhiên, nếu biết trước thân phận thực sự của Tiến sĩ Minor, rất có thể James Murray sẽ một mực khước từ sự giúp đỡ của ông ấy. Murray có thể nghĩ một công trình học thuật nghiêm túc như vậy không thể nào có dấu tay của một kẻ tâm thần.
Rất may là trường hợp đó không xảy ra, nhờ thế mà chúng ta mới có Từ điển Oxford để tra cứu như ngày nay.
Người sáng tạo, thường bị quyến rũ bởi những giọng điệu sang trọng hay những chức danh đẹp đẽ. Chúng ta tin rằng ý tưởng chất lượng luôn đến từ những con người chất lượng, từ trong ra ngoài.
Nhưng không — chất lượng của một ý tưởng không phụ thuộc vào nguồn gốc của nó, không cần phải là những chiến lược gia tài ba, nhà tiếp thị thần sầu hay nhất thiết phải là những “thiên tài sáng tạo”.
Chiến tranh và Hòa bình, một trong những tiểu thuyết kinh điển nhất mọi thời đại — chẳng phải bắt nguồn từ những câu chuyện phiếm của các binh lính mà Tolstoy nghe được đó sao?
Bởi thế, một ý tưởng hay không quan trọng là của ai.
Bởi thế, ta nên đánh giá ý tưởng vì chính nó, không phải vì nó đến từ đâu.
Tái bút
Câu chuyện về Giáo sư James Murray và Tiến sĩ William Chester Minor đã được nhà báo nổi tiếng Simon Winchester tổng hợp và viết thành sách có tên The Surgeon of Crowthorne, trở thành cuốn sách bán chạy nhất năm 1998. Sau đó, nó tiếp tục được đưa lên màn ảnh rộng vào năm 2019, bộ phim với tựa đề The Professor and the Madman.
Nguồn Tham Khảo
#1. The mad, murderous origins of the Oxford English Dictionary | Hindustan Times
#2. The Story Behind the Creation of the Oxford English Dictionary | Mary Olsson
#3. The Strange Case of the Madman With a Quotation for Every Word | The New York Times
#4. 10 Hidden Things Everyone Missed In The Professor And The Madman | Ursula Nizalowski
#5. Năng lực của sự ngu ngốc | Dave Trott