Cervantes và cái sự nghèo kinh niên
Trong vài trường hợp, nhà văn chỉ cần xuất bản một cuốn sách thành công duy nhất (tôi đồ rằng họ có rất nhiều bản thảo trong hộc bàn đấy) và sống rủng rỉnh suốt phần đời còn lại – như Margaret Mitchell với Cuốn theo chiều gió hay Giết con chim nhại của Harper Lee – nhưng tuyệt nhiên không phải với Don Quixote, hay đúng hơn là với nhà văn Miguel de Cervantes.
Sau khi tham gia nhiều trận đánh lớn trên biển Địa Trung Hải, Cervantes (lúc này vẫn là một người lính) trọng thương nặng và bị cướp biển bắt giữ khi đang trên đường trở về Tây Ban Nha. Chúng đòi tiền chuộc quá lớn, gia đình không xoay sở kịp, còn triều đình thì làm ngơ. Ông bị giam 5 năm ở Algie, sau đó nhờ gia đình chạy vạy lo lót, xin sự giúp đỡ của Nhà dòng nên được trả về nước.
Nhà văn lúc này 33 tuổi, ngán ngẩm bước đường công danh lận đận, lại thêm gánh nặng cơm áo gạo tiền, Cervantes bắt đầu viết sách để kiếm thêm thu nhập. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, La Galatea, ra đời năm 1585 – nhưng ông vẫn tiếp tục làm công việc thu mua, sau đó là viên chức thu thuế của chính phủ. Chẳng hiểu sự đời run rủi thế nào, nhà văn của chúng ta hết cảnh ra hầu toà rồi lại phải ngồi tù oan mất mấy năm, tiền đồ tối tăm không sao kể hết.
Mãi tới năm 1605, phần đầu tiên của Don Quixote mới ra đời. Mười năm sau đó, phần hai cũng trình làng. Ngay từ khi ra mắt, cuốn tiểu thuyết đã nổi tiếng vô cùng, đến nay được xem là một trong những kiệt tác văn học xuất sắc nhất từng được viết ra. Ảnh hưởng của Cervantes và Don Quixote lớn tới nỗi người ta vẫn thường gọi tiếng Tây Ban Nha là “ngôn ngữ của Cervantes”.
Sau Don Quixote, nhà văn tiếp tục cho ra đời nhiều tiểu thuyết khác cũng như sáng tác cả thơ, truyện ngắn và kịch; càng về sau, ngòi bút của Cervantes càng tỏ ra điêu luyện, chín muồi. Mặc dù nổi tiếng và được ca tụng là thế, mà cuối cùng nghèo túng vẫn hoàn nghèo túng. Sử sách có ghi lại một giai thoại như sau:
Vào tháng Hai năm 1615, có một đoàn sứ giả Pháp sang Tây Ban Nha để đón công chúa Ana de Austria. Lâu nay hâm mộ tài năng của Cervantes, họ xin được tới thăm ông. Tới nay, thấy cảnh nhà quá thanh bạch, một người mới thốt lên: “Sao! Một con người như vậy mà nước Tây Ban Nha không lấy công quỹ cung dưỡng và làm cho giàu có ư!” Một người khác nói thêm một cách ý nhị: “Nếu sự nghèo túng buộc ông ta phải viết sách thì cầu Chúa cho ông ta không bao giờ sung túc để những tác phẩm của một người nghèo như ông làm giàu thiên hạ.”
Chúa có vẻ đã lắng nghe được lời cầu khẩn trên, vì thực tế là cho tới lúc qua đời, Cervantes vẫn nghèo túng.
“Chúa chổm” Winston Churchill
Sir Winston Churchill, người được mệnh danh “vị Thủ tướng vĩ đại nhất nước Anh” – sinh thời cũng là một cây bút cự phách. Ông là Thủ tướng duy nhất từng nhận giải Nobel Văn học vào năm 1953. Tài viết hồi ký chiến tranh và tiểu sử về các vị tướng lỗi lạc trong lịch sử của Churchill lớn tới mức “vua dầu mỏ” John D. Rockefeller từng mở lời muốn ông viết tiểu sử về gia tộc mình. Tuy nhiên, Churchill đã từ chối vì Rockefeller không chịu ứng trước 250.000 USD “tiền đặt cọc”.
Nói về lịch trình làm việc, Churchill hẳn là một “cú đêm” điển hình. Ông thường ngủ một giấc ngắn trong khoảng 5 – 7 giờ, dậy ăn tối và tiếp khách rồi dành cả đêm viết lách. Nếu xét danh tiếng của ông trên cả mặt trận chính trị lẫn văn chương, ta có cảm tưởng như ông đã sống hai cuộc đời cùng lúc vậy. Nhưng có hẳn là Churchill viết vì ông không thể chịu đựng được cảm giác của một-ngày-không-viết như một số nhà nhà văn khác không?
Sinh ra trong một gia đình danh giá, Churchill đã quen với cuộc sống vương giả từ khi còn nhỏ – và ông kiên quyết “giữ vững” lối sống này ngay cả khi đã trở thành một quân nhân. Sinh thời, Churchill hút tới hàng chục điếu xì gà mỗi ngày, uống rượu như nước lã, nướng tiền theo nhã hứng vào sòng bạc và sàn chứng khoán. Khoản tiền lương từ Chính phủ dù nhiều nhặn nhưng cũng không thấm vào đâu với thói tiêu xài bạt mạng như vậy. Người ta kể rằng sau này để trốn thuế, ông còn đẩy hết nhật ký, sổ sách sang cho con trai đứng tên; rồi vẫn phải lo lắng vì cậu con trai còn máu cờ bạc hơn cả bố.
Mỗi khi hết tiền, Churchill lại vùi đầu vào viết lách để trang trải nợ nần, khơi cảm hứng bằng cách khui rượu và để hoá đơn chất chồng thành đống. Suốt cuộc đời, tiền bán sách và tiền bản quyền đã cứu sống ông không ít lần. Nếu ông đủ sức nuông chiều thói tiêu xài hoang phí của mình, có lẽ số tác phẩm của ông sẽ vơi đi gấp bội. Nhìn vào thời gian xuất bản từng cuốn sách của Churchill qua các năm, bạn sẽ thấy có một số giai đoạn ông viết rất năng suất. Có lẽ vẫn tồn tại chút ít cảm hứng ở đây, nhưng lý do phần lớn là vì ông hết tiền nên buộc phải cầm bút viết sách. Cũng chính vì luôn phải viết dưới áp lực như vậy, ông uống rượu rất nhiều. Nếu nói cho vui, hoá đơn tiền rượu với xì gà có thể tạm ứng vào khoản “chi phí sản xuất” trong quá trình sáng tạo của ông.
Nhân tiện nói về di sản văn học đồ sộ của Churchill, ngoài việc buộc phải viết sách để thanh toán nợ nần thì ông còn sống rất thọ, 90 tuổi – xét trên thực tế một người đã hút thuốc và uống rượu trong suốt cuộc đời thì không khác nào kỳ tích. Khi ông qua đời vào năm 1965, cả nước Anh bày tỏ lòng tiếc thương tới vị Thủ tướng đã dẫn dắt họ vượt qua qua hai cuộc đại chiến. Nhiều người sẽ bùi ngùi vì một ngòi bút kiệt xuất nay đã cạn mực, còn với một số người – ví dụ như người bán rượu và người bán xì gà – thì tiếc vì sẽ không bao giờ gặp được một khách hàng như ông nữa.
Chương trình viết kiệt sức của Balzac
Trước thời của Churchill độ một thế kỷ, Paris tráng lệ có dịp chứng kiến sự ra đời của một thiên tài văn học mà sau này được tôn lên hàng bậc thầy. Người này, không ai khác ngoài Balzac. Ông đã viết 85 cuốn tiểu thuyết trong khoảng thời gian vỏn vẹn 20 năm và thực hiện vô số chỉnh sửa trong mỗi bản thảo. Sức làm việc của ông thật đáng kinh ngạc, nhưng lý do đằng sau chuyện đó cũng không khác Churchill là bao.
Nếu lập một danh sách trao giải “nhà văn nổi tiếng nhưng nghèo túng nhất lịch sử”, bạn cần chắc phải dành riêng cho đại văn hào Balzac một suất. Có một giai thoại rất thú vị rằng một đêm Balzac đi ngủ quên không đóng cửa, một tên trộm nhân cơ hội đã lẻn vào phòng.
Nhà văn của chúng ta lúc này vẫn thức nhưng nằm im để xem gã kia tính làm gì. Tên trộm lui tới cái tủ, khẽ mở ra và lục tìm tiền (một hành động vô vọng).
Thấy thế, chủ nhà lúc này mới cười phớ lớ rồi trầm ngâm bảo tên trộm rằng: “Anh bạn ơi, anh mắc sai lầm lớn rồi đấy! Anh đến tìm tiền trong đêm tối kín như bưng ở nơi chính tôi, giữa ban ngày chói chang còn không tìm thấy.”
Năm 1819, sau khi từ bỏ triển vọng làm luật sư, Balzac quyết định cắm cọc ở Paris, lấy viết lách làm cần câu cơm. Ông kiếm được kha khá nhưng lại cực kỳ phung phí, “đốt” tiền như một kẻ nghiện chi tiêu kinh niên và bị các chủ nợ săn lùng trong suốt cuộc đời trưởng thành của mình. Để trốn nợ, Balzac thường xuyên thay tên đổi họ, di chuyển chỗ ở như cơm bữa.
Một câu chuyện vui kể lại rằng, một ngày nọ Balzac lên mặt giáo huấn người giúp việc của mình rằng không được nói dối, đặc biệt là với những kẻ gần gũi với mình. “Nhưng chính ngài bắt con phải nói ngài không có nhà khi mõ toà đến kê biên tài sản đó thôi,” người giúp việc cãi lại. “Chính thế,” Balzac nói. “Bởi lẽ những tay mõ toà không thuộc số những người gần gũi của chúng ta.”
Cho tới khi chết, Balzac vẫn chưa trả hết nợ – và phần lớn chính vì lý do này mà ông đã viết rất nhiều, uống tới 50 cốc cà phê mỗi ngày và không tránh khỏi – ông qua đời ở tuổi 51 vì chứng suy tim. Dưới đây là mô tả về lịch trình làm việc khắc nghiệt của chính ông, được viết vào tháng 3 năm 1833:
“Tôi đi ngủ lúc sáu hoặc bảy giờ tối, giống như lũ gà; rồi thức dậy lúc một giờ sáng và làm việc đến tám giờ. Lúc tám giờ tôi lại ngủ được một tiếng rưỡi; sau đó tôi lấy một ít cà phê đen, và quay lại bộ yên cương cho đến bốn giờ. Tôi tiếp khách, tắm rửa và ra ngoài, ăn tối xong tôi đi ngủ. Tôi sẽ phải sống cuộc đời này trong vài tháng, không để mình bị nợ nần chồng chất.”
Thư ký chính phủ viết tiểu thuyết về Mafia
Năm 1969, Bố già ra mắt văn đàn và lập tức trở thành cơn sốt tại Mỹ. Kết hợp với chiến dịch quảng bá rầm rộ và những lời nhận xét có cánh từ giới nhà báo, tiền bán sách đủ sức vực dậy gia đình nhà Puzo từ chốn nợ nần tới cảnh rủng rỉnh hầu bao. Theo các nguồn tin kể lại, Mario Puzo đã viết Bố già hay tới độ nhiều người đặt ra nghi vấn rằng ông liệu có phải “tay trong” của giới Mafia hay không. Khi một phóng viên của tờ Associated Press (AP) hỏi điều này trong một buổi phỏng vấn vào năm 1996, nhà văn điềm nhiên trả lời: “Tôi đã chết đói trước khi viết nên Bố già (The Godfather). Tôi sẽ ở đâu trong Mafia?”. “Nếu tôi làm cho Mafia, tôi đã kiếm đủ tiền để không phải viết lách.”
Trước Bố già, Mario Puzo đã viết Đấu trường bóng tối (The Dark Arena), Người hành hương may mắn (The Fortunate Pilgrim) cùng vài cuốn sách khác và nhận về nhiều đánh giá khả quan từ giới phê bình. Họ đánh giá cao tài năng văn chương của ông, cách ông xây dựng bối cảnh, về tính đột phá trong cốt truyện và xây dựng nhân vật,.. nhưng xui rủi thay người đọc lại không thấy vậy.
Sách của ông bởi thế mà kén người đọc vì các chủ đề xem chừng vĩ mô quá, không hợp thời thế, doanh số bán sách lẹt đẹt khó kham nổi một gia đình với bảy miệng ăn. Điều đáng nói hơn là, tiểu thuyết gia chỉ là nghề tay trái của Puzo để kiếm thêm chút đỉnh, ban ngày ông là Thư ký Chính phủ. Puzo không máu mê cờ bạc như Churchill (có thể do lương công chức quèn tước đi cơ hội làm điều đó của ông) nhưng nhìn chung là có nhiều thời điểm họ đều túng quẫn như nhau – và buộc phải tập trung viết lách để kiếm tiền trả nợ.
Cũng vì lý do này mà Bố già mới ra đời, được định trước là một tác phẩm ăn theo xu thế (tại thời điểm sách ra mắt, mối quan tâm của công chúng Mỹ với Mafia là rất lớn) và thành công còn vượt xa kỳ vọng của tác giả.
Thành công của Bố già đã giúp Mario Puzo bỏ quách nghề thư ký rồi chuyên tâm làm tiểu thuyết gia, cộng thêm số tiền bản quyền tới từ các phần phim chuyển thể thì ông còn giàu hơn nữa. Sau này, ông thi thoảng cũng đổi gió viết vài cuốn thể loại khác nhưng đều thất bại.
Bố già đã kéo ông lên và giữ ông ở nguyên trên đỉnh cao đó suốt phần đời còn lại – với điều kiện ông cũng phải trung thành với nó.
Lời kết
Trong bài thơ Hầu trời của Tản Đà có một câu mà giới nhà văn thường đem ra than thân trách phận một cách hài hước: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo.” Thế nhưng cũng như người ta thường nói, trong cái rủi thường có cái may – mà tôi cũng không dám chắc cái sự nghèo khó khốn cùng có thể xem là “cái may” với các nhà văn hay không. Nếu Cervantes được triều đình cất nhắc ban cho một chức vụ nào đó sau khi về nước, có thể sẽ không có câu chuyện nào về “hiệp sĩ tài ba” Don Quixote xứ Mancha cả – đồng nghĩa sẽ không có một “vũ trụ” nào như lời của V. S. Pritchell.
Nghèo đói, nợ nần buộc Cervantes, Balzac, Churchill hay Puzo phải cầm bút lên mà viết, phải viết thật hay, dốc hết tài nghệ văn chương và vốn sống trong những năm tháng thiếu thời của mình ra mà viết. Lời văn tuôn ra như rượu chảy vào dạ dày, câu cú cứ lai láng, từ ngữ chuẩn mực hết chỗ chê.
Có lẽ cũng vì nghèo mà họ phải viết không ngừng tay, liên tục cho ra đời các tác phẩm mới để còn kiếm chút đồng lẻ còm cõi nuôi gia đình. Cái nghèo tương đương với xuất phát điểm kém hơn – nhưng đồng thời là động lực thôi thúc con người phải chạy nhanh hơn, bền hơn những kẻ khác trên đường đua cuộc đời.
Nếu một nhà văn can đảm nói ra rằng anh ta viết vì tiền, hãy dành sự tôn trọng vì ít ra họ còn dám nói sự thật. Người ta kể rằng nhà văn Jack London – “kẻ hốt bạc nhờ nghề viết văn”, thậm chí còn chia các tác phẩm của mình ra làm hai loại: loại viết vì lý tưởng và loại viết vì tiền. Có lẽ chúng ta đều ngờ ngợ hiểu rõ nhưng không muốn thừa nhận sự thật phũ phàng rằng đôi khi ta phải nuôi sống lý tưởng bằng tiền.