Những cú lừa hớp hồn người tiêu dùng
Chỗ làm tôi có một chị đồng nghiệp, chị khoe vợt được sale đợt 5/5 nên mua được chiếc váy xinh lắm. Váy chỉ 199K, thêm mã Freeship và mã ưu đãi 10% Shopee nên chị chốt ngay trong đêm.
Vài ngày sau, hàng về đến nơi, mở ra mới thấy vải mỏng, chất nóng, dáng èo uột đâu có bồng xòe như mẫu. Dù đã là mẹ một con, chẳng lạ gì mấy sàn mua sắm, chị vẫn cứ ngớ người: “Đường may chộp giật thế này, trời ơi là trời, đâu ra 199K cái này. Có mà 99K ấy!”.
Chẳng riêng người chị của tôi, đa số chúng ta đều ít nhất một lần phạm phải sai lầm ngớ ngẩn này. Rốt cuộc, thứ tinh vi nào đã đánh lừa chúng ta thế?
1. Những hình ảnh đẹp
Con người là sinh vật yêu cái đẹp, và cái đỏm dáng là bản chất chung. Mỗi người có kiểu đỏm dáng riêng, và nếu bắt gặp một hình ảnh “đỏm dáng” hợp ý mình, người ta chắc chắn sẽ nán lại xem.
Giờ hãy làm phép so sánh, giữa cốc trà đựng trong ly nhựa sơ sài với cốc trà được trang trí cẩn thận, bắt mắt, chụp ảnh với phông nền tươi sáng, bạn sẽ chọn xem cái nào?
Không phải tự nhiên mà người ta gọi tên “hình ảnh thương hiệu”. Đó là những diễn ảnh có vai trò tôn vinh những cái đẹp nhất, những thông điệp rõ ràng nhất của sản phẩm.
Nhưng, cũng chính sự phát triển của công nghệ và sự thiếu sát sao về bản quyền tại Việt Nam, các hình ảnh đẹp của một người, một thương hiệu được vô số các nhà kinh doanh lấy sử dụng. Người tiêu dùng không đủ tỉnh táo, khi đứng giữa vô vàn những sự lựa chọn giống nhau về mặt hình ảnh, sẽ dễ bị cám dỗ bởi những sản phẩm giá rẻ.
Tham khảo: Bí quyết tiêu dùng thông minh để không bị ngày sale "thao túng tâm lý"
2. Những đánh giá có cánh
Không phải người tiêu dùng nào cũng biết được rằng những lời khen đôi khi chỉ là màn kịch do chính người bán hàng tạo ra. Những lời khen, những cái like là thứ có thể mua được. Nếu bạn là người làm truyền thông, bạn hẳn không lạ gì chút mánh khóe này. Nhưng nếu bạn là người ngoài ngành, bạn sẽ thấy nó có chút lạ lẫm và khó tin.
Thực tế, bên cạnh những đánh giá chân thực của người mua trước đó, một số đánh giá khác có thể bị thao túng bởi chính nhà bán hàng.
Ngoài ra, trong xu hướng marketing 2023, KOLs là sự lựa chọn ưu tiên để nhà bán hàng gửi gắm mơ ước tiếp cận số đông công chúng. Đương nhiên, trong số các KOLs này, có người có tâm, nhưng có người sẽ vì lợi ích mà thổi phồng sự thật. Không khó để tìm được những video review mỹ phẩm dạng kem trộn, review nhà hàng,... được tâng bốc bằng từ ngữ cực độ như “tuyệt vời”, “vô cùng”, “xuất sắc”, “chỉ ở đây có”, “hơn hẳn loại khác”,...
3. Những kịch bản gây sốc
Nếu chỉ hình ảnh đẹp, vài lời đánh giá, không phải ai cũng sẽ ngay lập tức tin tưởng. Và như đã nói, các thương hiệu sẽ khai thác triệt để nỗi đau của người tiêu dùng.
Bạn có sợ già đi không?
Bạn có sợ cơ thể mình tăng cân mất kiểm soát không?
Chỉ cần bạn tìm kiếm “làm đẹp”, “giảm cân”, “thẩm mỹ” trên google thì lát sau, Facebook của bạn sẽ tràn lan quảng cáo từ cơ sở thẩm mỹ, phòng khám. Họ dùng những từ ngữ khiến những người bị ám ảnh tính nữ độc hại cảm thấy lo lắng. Điển hình nhất là kiểu quảng cáo sinh con xong cơ thể tăng cân, mất vóc dáng, đánh mất hạnh phúc gia đình. Ngoài ra, họ vận dụng rất tốt sự kết hợp với hình ảnh thực tế, đưa ra các video quảng cáo được lên kịch bản tỉ mỉ với người thật việc thật. Và nếu bạn không quá hiểu về quảng cáo, bạn cũng sẽ dễ dàng bị lừa với những sự thật bày ra trước mắt.
Trong khi đó, thẩm mỹ luôn tồn đọng nguy cơ và rủi ro. Các cơ sở thẩm mỹ dùng video và giá cả gây sốc để thu hút khách hàng, nhưng lại có số ít cơ sở thực sự đảm bảo được an toàn y tế.
Không chỉ trên Facebook, các sàn thương mại điện tử cũng sẽ hướng bạn đến những sản phẩm giảm cân, sản phẩm làm đẹp,... Những người không dành thời gian nghiên cứu về mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng sẽ dễ bị những lợi ích gây sốc trong quảng cáo thu hút. Nếu bạn thường chú ý đến những Livestream kem trộn, bạn sẽ thấy được: những người bán kem trộn trước hết phải có một làn da, vóc dáng đẹp, sau đó, họ không ngần ngại thử sản phẩm lên người mình. Với những người bị ảnh hưởng bởi quan điểm “làn da trắng là làn da đẹp” thì chỉ cần thấy thoa kem là trắng sẽ ngay lập tức mong đợi sản phẩm này.
Bộ lọc quảng cáo: Đưa niềm tin về đúng chỗ
Mỗi người đều nên chuẩn bị một “bộ lọc” quảng cáo cho riêng mình. Quảng cáo ngày nay có muôn hình muôn vẻ, không phải quảng cáo nào cũng thổi phồng nhưng cũng không hiếm những thuật che mắt.
Bản chất của quảng cáo là để giới thiệu cùng thôi thúc người tiêu dùng chọn sản phẩm mới. Việc vận dụng “nỗi đau” là để khai thác được tâm tư nguyện vọng của người tiêu dùng, không phải dùng để thao túng và đánh thủ thuật lừa gạt.
Để thiết lập bộ lọc quảng cáo, chúng ta có thể xây dựng dựa trên các nguyên tắc sau:
Tìm kiếm thông tin thương hiệu
Ngày nay, hầu hết các thương hiệu đều công khai thông tin trên các nền tảng mạng xã hội để hỗ trợ tương tác với khách hàng. Đây cũng là cơ sở để bạn xây dựng niềm tin với thương hiệu đó.
Trong quá trình tìm kiếm, bạn cần xác nhận được thương hiệu qua các góc độ:
- Tài khoản chính thức: Thông tin cơ bản về thương hiệu, phong cách thương hiệu, tương tác với công chúng.
- Review hội nhóm: Mọi review không nên tin hoàn toàn, nhưng vẫn phải tham khảo, để có thêm nguồn xác nhận quyết định mua hàng.
Trường hợp thương hiệu chỉ có trên sàn thương mại điện tử, đối với nhà bán hàng nước ngoài, bạn cần lưu ý:
- Liên hệ với nhà bán hàng để hỏi thông tin.
- Lướt kỹ các đánh giá và cân nhắc.
- Tìm kiếm sản phẩm tại Việt Nam hoặc trung gian đặt hộ để gia tăng độ an toàn trong mua hàng.
Thừa nhận sự chênh lệch trên cơ sở nguyên tắc
Chúng ta tẩy chay những quảng cáo tồi, nhưng không vì thế mà sản phẩm nhận về màu đậm/ nhạt hơn ảnh thì quay ra đổ tại nhà bán.
Các bộ ảnh thương hiệu được đầu tư kỹ lưỡng, sắp đặt nguồn ánh sáng, thiết kế bối cảnh phù hợp với sản phẩm nên trên cái nền ấy, sản phẩm sẽ được tôn lên rất nhiều. Do đó, khi đánh giá một sản phẩm để đi tới quyết định mua hàng, người tiêu dùng cần chú ý tới sự chênh lệch màu sắc. Muốn đánh giá được sự chênh lệch này, bạn nên trực tiếp tới cửa hàng bán sản phẩm, nếu mua online, bạn cần xem kỹ các review từ phía người mua đồng thời tham khảo thêm các thông tin tư vấn từ cửa hàng cung cấp.
Khi đánh giá sản phẩm, cũng cần lưu ý hình ảnh đó có phải hình ảnh do cửa hàng thực hiện hay không. Do sự tham gia tự do trên các sàn thương mại điện tử, nhiều người bán không hề ngần ngại đã lấy hình ảnh quảng cáo của những bên khác về đăng tải trên các tài khoản mạng xã hội.
Đây là một động thái cố tình, và cũng là một lý do để họ tranh cãi với khách hàng khi có khách phản hồi rằng tại sao sản phẩm nhận được không giống hình.
Xây dựng mạng lưới thương hiệu
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, bạn cần thiết lập một hệ thống các thương hiệu, phân nhóm tiêu dùng sinh hoạt, tiêu dùng ăn uống, tiêu dùng trang phục, tiêu dùng học tập,...
Ngày nay, không hề thiếu những thương hiệu đa dạng về mẫu mã, màu sắc. Từ thương hiệu lâu đời tới thương hiệu mới, bạn hoàn toàn có thể tìm ra những lựa chọn phù hợp nhu cầu của bản thân.
Tuy nhiên, trong xây dựng mạng lưới thương hiệu, cũng cần chú ý đến loại bỏ những lựa chọn gây hại đến môi trường, giá rẻ nhưng không có giá trị sử dụng lâu dài. Ví dụ, một cái thìa nhựa rẻ hơn một cái thìa inox, nhưng giá trị sử dụng của thìa nhựa không thể nào bằng thìa inox được, và thìa nhựa không phải lúc nào cũng dùng được cho đồ nóng.
Hay như vấn đề mà chúng ta ngày nay đang vô cùng quan tâm: thời trang nhanh. Thời trang nhanh đáp ứng được nhu cầu về xu hướng, và hiển nhiên, những bộ quần áo, những đôi giày đó rất đẹp, cũng rất rẻ. Những người có mức thu nhập không quá cao sẽ ưa chuộng dòng thời trang này. Nhưng về lâu dài, những trang phục kiểu này dễ hỏng, và khi nó hỏng, bạn buộc phải thải ra ngoài môi trường. Càng nhiều người sử dụng, số lượng vải pha kém chất lượng sẽ càng tràn ra ngoài hệ sinh thái, tác động trực tiếp đến môi trường đất, nước,...
Vì thế, mạng lưới thương hiệu uy tín vừa giúp bạn có được “thư viện chọn lựa”, yên tâm về quảng cáo, vững lòng khi đặt mua, vừa góp phần hình thành thói quen tiêu dùng thông thái, bảo vệ môi trường.