Quy trình Ives
Ives bắt đầu làm thợ học việc in ấn ở Ithaca, New York. Sau hai năm, ông nhận quản lý phòng thí nghiệm ảnh tại Đại học Cornell gần đó. Người đàn ông đã dành phần còn lại của tuổi trẻ để thử nghiệm các kỹ thuật nhiếp ảnh mới, nghiên cứu về máy ảnh, máy in và quang học.
Năm 1881, ý tưởng về một kỹ thuật in ấn vượt trội hơn bắt đầu chơi đùa trong tâm trí Ives.
“Trong khi vận hành quy trình in đúc khuôn (stereotype), tôi đã nghiên cứu kỹ thuật in nửa tông (halftone),” Ives viết. “Một đêm nọ, tôi đi ngủ trong khi tâm trí vẫn mịt mù vì vấn đề chưa thông, vậy mà ngay sáng thức dậy, tôi thấy mọi thao tác, thiết bị rõ ràng như đang chiếu trên trần nhà. Mọi thứ hoàn toàn đang ở đó chờ đợi tôi nắm bắt.”
Ives nhanh chóng nắm bắt “khoảnh khắc ơ-rê-ca” và được cấp bằng sáng chế cho phương pháp in ấn của mình vào năm 1881. Ông dành phần còn lại của thập kỷ để cải tiến nó. Đến năm 1885, ông giới thiệu một quy trình đơn giản hoá hiệu quả cao hơn. Quy trình Ives, ngày nay được gọi là halftone, đã giúp giảm chi phí in ảnh xuống 15 lần và tiếp tục là kỹ thuật in tiêu chuẩn trong 80 năm tiếp theo.
Được rồi, giờ hãy cùng thảo luận về những bài học chúng ta có thể rút ra từ Ives về quá trình sáng tạo.
Năm giai đoạn của quá trình sáng tạo
Năm 1940, James Webb Young đã xuất bản một cuốn cẩm nang ngắn với tựa đề A Technique for Producing Ideas. Theo Young, những ý tưởng sáng tạo chỉ bật ra khi bạn kết hợp chúng với những ý tưởng cũ. Nói cách khác, sáng tạo không như phát minh khoa học thuần tuý - tạo ra một thứ gì đó từ chân không, mà là lấy những gì đã có và kết hợp chúng theo một cách chưa từng được thực hiện trước đây.
Quan trọng nhất, bạn phải nhận thức được sự liên hệ giữa các ý tưởng. Nếu bạn có thể hình thành liên kết giữa hai hoặc nhiều ý tưởng cũ, bạn ít nhiều đã đặt một chân vào vùng đất sáng tạo.
Young tin rằng quá trình kết nối sáng tạo này luôn diễn ra theo 5 bước.
1) Thu thập tài liệu. Đầu tiên, bạn phải học. Trong giai đoạn này, bạn thu thập thông tin, nghiên cứu tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của bạn.
2) Suy ngẫm. Ở bước này, bạn nghĩ thật sâu về những gì đã học. Liên kết các ý tưởng với nhau.
3) Bước ra khỏi vấn đề. Bây giờ, bạn cho tâm trí tách rời khỏi công việc bằng cách làm một việc gì khác như đi dạo, nghe nhạc, hoặc đơn giản nhất là ngủ.
4) Để ý tưởng trở lại với bạn. Đến một lúc nào đó, nhưng chỉ sau khi bạn đã ngừng suy nghĩ về nó, ý tưởng sẽ quay trở lại bên bạn.
5) Phát triển ý tưởng dựa trên phản hồi. Để ý tưởng trở nên thành công, bạn phải dựa vào những lời đóng góp để hoàn thiện nó.
Phân tích trường hợp của Ives
Giờ hãy quay trở lại với Ives. Quá trình sáng tạo của ông cung cấp một ví dụ hoàn hảo về năm bước trên trong thực tiễn.
Đầu tiên, Ives thu thập tài liệu mới. Ông đã dành hai năm làm việc như một thợ in tập sự và bốn năm sau đó điều hành phòng thí nghiệm nhiếp ảnh tại Đại học Cornell. Những năm tháng này đã cho ông rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm để hình dung ra mối liên hệ giữa nhiếp ảnh và in ấn.
Thứ hai, Ives bắt đầu suy ngẫm về những gì ông học được. Đến năm 1878, Ives đã dành gần như toàn bộ thời gian trong ngày để thử nghiệm các kỹ thuật mới. Ông liên tục mày mò, kiểm chứng hiệu quả của từng kỹ thuật khác nhau nhằm kết hợp nhiếp ảnh với in ấn.
Thứ ba, Ives bước ra khỏi vấn đề. Ông đi ngủ.
Thứ tư, ý tưởng trở về với Ives. Ông thức dậy với câu trả lời được đặt ngay trước mắt.
Cuối cùng, Ives tiếp tục điều chỉnh ý tưởng của mình trong nhiều năm. Trên thực tế, ông đã cải thiện rất nhiều khía cạnh của công trình so với bản phác thảo ban đầu.
Tóm lại là?
Quá trình sáng tạo là hình thành liên kết mới giữa các ý tưởng cũ. Do đó, chúng ta có thể nói tư duy sáng tạo là nhiệm vụ nhận ra mối quan hệ giữa các khái niệm. Để sáng tạo, bạn không nhất thiết phải trở thành người đầu tiên (hoặc duy nhất) nghĩ ra một ý tưởng. Trong phần lớn trường hợp, sáng tạo về cơ bản xoay quanh việc kết nối các ý tưởng.
Biên dịch từ bài viết gốc: https://jamesclear.com/five-step-creative-process