Nguyên tắc số 1: Đôi tai (Nhĩ) của bạn phải tiếp nhận và xử lý âm thanh
Khi người khác nói chuyện cùng với chúng ta, nhưng chúng ta lại không dùng đôi tai để nghe, rồi chuyển những lời ấy đến nơi xử lý của bộ não, thì đó chính là đã vi phạm nguyên tắc “Nhĩ”.
Nguyên tắc này nhắc bạn nhớ rằng, hãy nghe thực sự và nghe đúng cách. Điều tối kỵ thứ nhất trong giao tiếp chính là bạn cố gắng làm những việc riêng khi người khác đang nói rất tâm huyết. Điển hình là trường hợp học sinh, sinh viên làm việc riêng khi thầy cô giảng bài, đó vừa là sự thiếu tôn trọng, vừa phá vỡ tính chất giao tiếp trong môi trường giáo dục. Hoặc trong một gia đình, nếu như cha, hoặc mẹ nói chuyện cùng bạn, nhưng bạn không chú ý và chỉ mải nghịch điện thoại, nó cũng sẽ tạo ra khoảng cách và những rạn nứt tình cảm.
Điều tối kỵ thứ hai trong giao tiếp chính là khi bạn có nghe, nhưng không lưu giữ lại những lời nói đó. Điều này khác hoàn toàn với “não cá vàng”, một số người do suy giảm trí nhớ nên thường quên nhắc nhở. Còn trường hợp tối kỵ được đề cập ở đây là do người nghe không đặt lời nói ở vị trí quan trọng nên không tiếp nhận và xử lý thông tin nhận được một cách tử tế.
Ví dụ, trong một nhóm làm việc, khi nhóm trưởng đề cập với bạn những nhiệm vụ cần hoàn thành trong khoảng thời gian nhất định, thay vì ghi chép lại các danh mục nhiệm vụ và tiến hành thì bạn lại lãng quên những nội dung đó. Cái gật đầu của bạn, thậm chí là câu trả lời “Mình đã biết” chỉ là một phản ứng nhất thời, trong khi đó, những thông tin kia đã bị bác bỏ trước khi đi tới não bộ. Tâm trí của bạn không lựa chọn ghi nhớ và cũng không đưa ra các hành vi phù hợp như hỏi lại nhóm trưởng về nhiệm vụ và thực hiện đúng phân công. Đây chính là một biểu hiện “thiếu trách nhiệm” trong khi lắng nghe và “thiếu tôn trọng” người nói.
Nguyên tắc số 2: “Nghe” (Nhãn) khi người nói chưa truyền đạt âm thanh
Nguyên tắc này đề cập đến sự quan sát trong một cuộc giao tiếp. Trong muôn vàn những luận điểm được đưa ra, sự quan sát đôi mắt bao giờ cũng được đánh giá như một cuộc giao tiếp ngầm. Người ta cho rằng, nụ cười có thể che giấu nỗi buồn, lời nói có thể che giấu những bí mật, nhưng riêng đôi mắt thì không làm được. Tự bản thân đôi mắt là tấm gương phản chiếu của cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ.
Giáo sư Adam Anderson tại Đại học Cornell, Mỹ đã cho rằng đôi mắt tiếp xúc với ánh sáng đầu tiên, vì thế, đối với những kích thích nhỏ nhất thì chúng cũng sẽ nhanh chóng phản hồi lại. Bạn có thể hình dung khi bạn sợ hãi điều gì đó, trong đôi mắt bạn sẽ hiện rõ ra sự hoảng loạn, đó là lời đáp của bộ não. Trong thử nghiệm của Giáo sư Adam Anderson, một điểm để nhận diện phản hồi của não bộ thông qua ánh mắt chính là độ rộng mở. Ví dụ, đôi mắt hẹp và nhíu lại, ánh nhìn sâu hơn, thường là nghi ngờ, phản đối, ghét bỏ. Ngược lại, nếu nó mở rộng là biểu thị của sự bất ngờ, hay sợ hãi.
Chính vì thế, trong khi giao tiếp, không phải lúc nào người nói cũng bày tỏ toàn bộ suy nghĩ của họ. Khi bạn của bạn tâm sự cũng vậy, họ không hẳn sẽ nói hết toàn bộ câu chuyện cũng như cảm nhận của họ. Điều quan trọng là bạn cần nhìn vào đôi mắt ấy, phát hiện ra những cảm xúc mà họ đang che giấu để biết bản thân cần nói gì lúc đó, cần đưa lời khuyên ra sao, và đôi khi, nếu họ đang thực sự hoảng loạn, một cái ôm của bạn quan trọng hơn hết thảy mọi lời nói.
Xem thêm: Nghệ thuật giao tiếp phá vỡ “bức tường băng”
Nguyên tắc số 3: Người nói chính là “Vương”
Nguyên tắc này không dạy bạn người khác nói gì bạn phải nghe thế, tin thế và không phản đối. Nguyên tắc này chỉ nhắc bạn, khi giao tiếp, hãy tôn trọng người nói như một vị vua. Khi họ cất tiếng nói, họ đang đứng trên ngai vàng của chính mình, và bạn cũng thế. Vì vậy, những người tham gia cuộc hội thoại cần tôn trọng nhau giống như những vị vua tôn trọng lãnh thổ của mỗi người vậy.
Có thể quan điểm của bạn khác với người nói, nhưng hãy để cho họ được nói hết, nói cho xong, rồi bạn thừa nhận sự tồn tại của quan điểm đó, đồng thời mới đưa ra một góc nhìn khác của riêng bạn.
Ví dụ, nếu bạn và sếp đang xảy ra một cuộc tranh luận về việc phát triển dự án. Ngay cả khi bạn cảm thấy sếp của mình cổ hủ, lạc hậu, không theo kịp thời đại hay không dám đưa ra những quyết định đổi mới, thì bạn cũng không nên cắt ngang những phản biện của họ. Hãy để họ nói xong, và trong quá trình nghe, bạn cần ghi lại tất cả những ý phản biện để đưa ra câu trả lời phù hợp. Đồng thời, phải kiểm soát tốt cảm xúc, không để nó ảnh hưởng đến chất lượng giao tiếp và kết quả tranh luận.
Nguyên tắc số 4: Chữ “Tâm” kia mới bằng ba chữ “Tài”
Tài năng giao tiếp: kỹ thuật sử dụng giọng nói, nghệ thuật sử dụng ngôn từ, phong thái trang phục ấn tượng nhất, đó là những điều mà chúng ta đều luôn cố gắng xây dựng trong mọi cuộc giao tiếp quan trọng. Thế nhưng, chúng ta đều quên mất một điều, cuộc giao tiếp thành công là cuộc giao tiếp đạt tới sự đồng thuận cuối cùng và cả hai người tham gia đều cảm thấy hài lòng về một mặt nào đó. Để đạt được điều đó, chữ “tâm” quan trọng hơn hết thảy vì nó có tác dụng chi phối lý trí và cảm xúc của những người tham gia.
Giống như thiếu cái tâm làm nghề, thì mọi thứ bạn làm ra đều là sự cẩu thả, vô trách nhiệm, hiệu quả kém. Thiếu cái tâm trong giao tiếp, những điều bạn nói chỉ là sự sáo rỗng, và hơn hết, bạn không hiểu người nghe cần gì để mà nói.
Gợi ý: Khám phá bí mật thu phục lòng người của các nhà diễn thuyết
Chính vì vậy, trong sự lắng nghe, chữ “tâm” được đặt dưới các bộ, các chữ khác như một cái gốc rễ chống đỡ những yếu tố khác. Khi bạn đã có tâm, việc học kỹ thuật giao tiếp đối với bạn cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Bạn đừng sợ bản thân nói không hay, bởi vì trước khi bắt đầu học kỹ thuật phát âm, thứ bạn cần học là coi mỗi người nghe như một thành tố quan trọng của cuộc đời, dù làm gì, nói gì cũng cần nghĩ tới.
Nguyên tắc số 5: Hợp “nhất” sự lắng nghe
Sự lắng nghe được tạo thành từ những yếu tố đó và để sự lắng nghe thực sự có hiệu quả, thì các yếu tố cần diễn ra liên kết với nhau. Bạn có tấm lòng thật đấy, nhưng nếu bạn thiếu đi đôi mắt quan sát cảm xúc, biểu cảm những người trong giao tiếp, thì sự quan tâm của bạn cũng không thể chạm tới trái tim họ.
Một người vừa đổ vỡ trong tình cảm, một người vừa thất bại trong công việc, bạn chỉ biết là họ buồn, và bạn nói “Hãy vui lên!”. Nhưng lời cổ vũ ấy chỉ là lời cổ động sáo rỗng và chẳng ai muốn nghe trong thời điểm ấy. Và nếu bạn thực sự nhìn sâu vào đôi mắt họ, bạn sẽ thấy họ còn tuyệt vọng và bất lực nhiều hơn bạn nghĩ.
Bởi vậy, thiếu một nét cũng không thành chữ Thính, nhân đôi chữ Tâm cũng không thành chữ Thính. Mọi yếu tố cấu thành lắng nghe trong giao tiếp chỉ nên duy trì ở mức độ đủ và phù hợp. Mỗi đối tượng khác nhau, cách lắng nghe khác nhau nhưng cuối cùng vẫn là sự kết hợp của 5 nguyên tắc đó.
Để thực sự chinh phục một người, dù trong tình cảm hay công việc, khi tâm sự hay phản biện, trước hết bạn phải học cách trở thành một người lắng nghe đúng nghĩa, sau đó, mới học đến kỹ thuật chuyên sâu.
Để có được kỹ thuật nói truyền cảm, bạn có thể tham khảo khóa học Luyện giọng cùng NSƯT Hà Phương , một người thầy - một giọng nói khiến bao thế hệ yêu thích qua chương trình đọc truyện đêm khuya trên radio.