1. Giao tiếp trắc ẩn là gì?
Ở đây chúng tôi có một tình huống cho bạn. Hãy thử tưởng tượng bạn và các thành viên trong nhóm có một cuộc họp vào lúc 9 giờ sáng. Thế nhưng, một thành viên đã đến sau tất cả mọi người và đó là lúc 9 giờ 30 phút.
Điều gì sẽ xảy ra với những người ít biết cách chuyển hóa cảm xúc tiêu cực như là bực bội, khó chịu, tức giận,... trong tình huống này? Những lời trách móc, những lời chỉ trích “Bạn nhìn xem mấy giờ rồi này? Sao giờ bạn mới đến?”, “Chúa ơi, chúng ta hẹn 9 giờ đó? Bạn thật vô trách nhiệm!!”, “Chúng tôi không thể chấp nhận được bạn”. Đọc đến đây, có thể bạn đang thấy rất bình thường, giống như lời mà ai cũng nói. Thực tế, sự chỉ trích này chỉ khơi dậy sự tự ti, ấm ức (nếu họ thực sự có lý do riêng của mình), ngại ngùng và cảm thấy lạc lõng với nhóm. Những người có tố chất lãnh đạo sẽ không nói thế, mà sẽ nói rằng: “Chàng trai mà chúng ta đang chờ đã xuất hiện rồi, mọi người đã đến đủ và còn thiếu cậu thôi đó, sao có thể bắt đầu mà thiếu cậu được. Cậu hẳn đã có việc gấp đúng không, giờ thì ngồi vào bàn và triển khai dự án của chúng ta nhé”. Phân tích từng ý của câu nói này, bạn sẽ thấy được:
+ Lời cảm ơn là để khiến họ cảm thấy bản thân là một phần quan trọng của nhóm, rằng họ được coi trọng bởi những người sẽ hợp tác cùng mình.
+ Sự chờ đợi để khiến họ tự thức tỉnh cảm giác trách nhiệm vì đã tới muộn.
+ Lý do đưa ra giống như một bậc thang giúp họ đi xuống, họ không cần giải thích quá nhiều hay lo lắng mọi người nghĩ sao về mình khi mọi người đã tự mặc định một lý do phù hợp.
+ Khởi động cuộc họp để thúc đẩy tinh thần của họ, chuyển hóa những tội lỗi, ngại ngần thành động lực của sự nhiệt tình.
Để hiểu hơn về phương pháp trắc ẩn, bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của người tiếp nhận những lời nhận xét. Giả sử bạn vô cùng hào hứng chuẩn bị bữa ăn cho những người bạn cùng phòng ký túc, thế nhưng, sau khi họ thử, bạn lại được nghe những câu như “Món này tệ quá!”, “Uây, nấu cái gì mặn thế!”. Cảm xúc lúc ấy của bạn thế nào? Hụt hẫng. Thất vọng. Tự ti. Và cả một chút giận dữ. Bạn có thích bị chê bai thẳng thừng vậy không? Nếu câu trả lời là không thì bạn đã tìm thấy đáp án của những thắc mắc, tại sao chúng ta lại cần đến sự trắc ẩn rồi đấy. Nếu được chọn một vài lời góp ý cho những món ăn của mình, hẳn bạn sẽ thích sự khen chê vừa đủ và tế nhị, như “Oa cậu tập nấu như này là không tệ đâu nha! Món này ngon quá nè, mà lần sau giảm bớt xíu muối là tuyệt luôn”. Bữa ăn đó tự nhiên sẽ trở nên hài hòa và thoải mái hơn nhiều lần.
Mong muốn của bạn là những điều tốt đẹp và nhẹ nhàng, vậy cớ gì, bạn lại muốn dùng tiêu cực cảm hóa người khác? Đó chính là cốt lõi của giao tiếp trắc ẩn. Năm 1960, nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ là Marshall Bertram Rosenberg đã đề xuất nghệ thuật giao tiếp này. Giao tiếp trắc ẩn (Compassionate Communication), hay giao tiếp thấu cảm, giao tiếp phi bạo lực,... là một vài tên gọi cho hình thức giao tiếp xuất phát từ lòng bao dung, thái độ khách quan và sự tinh tế.
Xuất phát điểm của nghệ thuật này là từ vai trò người hòa giải của Tiến sĩ Marshall Bertram Rosenberg nhằm giải quyết những cuộc xung đột, tranh cãi trong giao tiếp. Những cảm xúc tiêu cực của con người khi bất mãn, tức tối,... sẽ hiện lên thật rõ ràng qua cảm xúc và ngôn từ. Trong một cuộc giao tiếp, chỉ cần có một người nổi nóng và một người không thể hòa giải, chắc chắn nó sẽ biến thành một cuộc cãi vã nảy lửa không thể cứu vớt. Hậu quả của nó có đáng sợ không? Chắc chắn rồi, chẳng khó để thấy những tin tức trên báo đài, khi người ta cãi nhau đến mức mất kiểm soát, người ta chỉ muốn thỏa mãn bản năng và dục vọng chiến thắng. Họ không quan tâm đối phương nghĩ gì và là ai, họ chỉ cần biết kẻ tranh cãi với mình là kẻ đối đầu mình. Và khi lời nói không thể giúp họ giải tỏa xúc cảm tiêu cực, nó sẽ bị thoát khỏi vòng kiềm chế về đạo đức và chuyển hóa thành hành động cực đoan. Ví dụ cụ thể cho điều này, chúng tôi tin là bạn có thể dễ dàng đọc được ở đâu đó.
Vì thế, nghệ thuật giao tiếp trắc ẩn là nghệ thuật giao tiếp quốc dân, thông qua khơi gợi tinh thần đạo đức và những phẩm chất nhân văn ở con người.
2. Những yếu tố cần thiết cho một cuộc giao tiếp trắc ẩn
Giao tiếp trắc ẩn hình thành và hoạt động dựa trên 4 từ khóa Quan sát - Thấu cảm - Mong muốn - Đề nghị.
Quan sát nhưng không phán xét - thái độ quyết định thái độ
Con người có thói quen phán xét người khác ở bất cứ bình diện nào, trang phục, lời nói, thái độ, dáng vóc,... Sự phán xét ấy diễn ra qua lại và nối tiếp từ người này đến người khác, chỉ vì một nguyên nhân là quan sát - phát hiện sự khác biệt - phản đối. Hiển nhiên, góc độ phân tích ở đây không dành cho những đối tượng bị chỉ trích vì đi ngược lại đạo đức, khoa học, chính trị xã hội mà chỉ áp dụng vào sự khác biệt trong quan điểm sống, phong cách sống.
Quan sát không phán xét diễn ra dưới hình thức quan sát bằng năm giác quan biệt lập với những suy nghĩ và tâm tưởng. Tức là bạn nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan trung lập, giống như đang đứng ở ngoài cuộc sống và nhìn trực tiếp những gì nó diễn ra mà không can thiệp vào.
Không phải lúc nào bạn cũng hiểu được hết về thế giới. Kiến thức nhân loại và cả những kiến thức nhân loại chưa phát hiện ra vô cùng khổng lồ, trong khi những gì con người tiếp thu được lại rất nhỏ, nếu bạn quan sát và diễn giải mọi thứ qua kiến thức hạn hẹp của mình, thì chẳng khác nào áp đặt những ý muốn chủ quan lên suy nghĩ của người khác.
Vì thế, nếu một người không đồng tình với quan điểm của bạn, hãy nhìn nhận quan điểm đó như nó đã tồn tại, cho đến khi bạn có thể xác minh độ chính xác hay không.
Đây cũng là cấp độ tôn trọng cơ bản của bạn với đối phương trong giao tiếp. Nếu bạn tấn công người khác bằng một viên đạn, thì rất có thể họ trả lại cho bạn như vậy. Bạn đừng mong vào việc bạn tổn thương họ rồi yêu cầu tha thứ, sự bao dung chỉ dành cho người xứng đáng và không phải ai cũng đủ vĩ đại để có được sự bao dung đến mức quảng đại như vậy. Nhất là khi những lời phán xét có sức sát thương mạnh mẽ hơn bất cứ thứ vũ khí nào trên đời.
Thấu cảm - sự lay động bằng sợi dây kết nối tinh thần
Những suy nghĩ và cảm xúc của con người có thể tạo ra những rung động tần số, những điểm ngân vang giống như khi chạm vào những dây đàn. Độ rung này đã tạo ra những luồng “khí cảm” lan tỏa vào trong không khí và tiếp cận những tâm trí cùng nhịp.
Bạn có thể hình dung như thế này, bên trong mỗi người đều có một trái tim trắc ẩn. Đôi khi, trái tim này bị che lấp bởi những điều tiêu cực, những thực tế khắc nghiệt, bản thân con người không phải lúc nào cũng ý thức được là mình sở hữu nó.
Để thực hành thấu cảm trong giao tiếp trắc ẩn, tức là bạn phải khơi dậy lòng trắc ẩn thông qua các bước:
- Nhìn nhận những cảm xúc của bản thân trong tình huống đó. Hãy đối diện với đứa trẻ nhạy cảm bên trong bạn, hãy hỏi đứa trẻ ấy cảm nhận hiện tại của bạn như thế nào. Đa số các cảm xúc tiêu cực xảy ra khi chúng ta không được thỏa mãn mong muốn của mình. Nếu bạn cũng cảm nhận được điều đó, thì chắc chắn chúng cũng đang xảy ra với người khác.
- Thừa nhận những cảm xúc của người khác. Nếu bạn bị xúc phạm, bạn cũng sẽ đau đớn. Nếu bạn bị chỉ trích, bạn cũng sẽ sợ hãi. Nếu bạn bị phản đối quan điểm, bạn cũng sẽ tức giận. Vậy tại sao bạn lại thắc mắc sự tồn tại của những cảm xúc đó ở người khác? Không ai có trách nhiệm phải kìm nén cảm xúc tiêu cực của mình vì ai đó, mà phải học cách chuyển hóa chúng thành những động lực cho sự thay đổi tích cực hơn.
- Vẫn dựa trên nguyên tắc rung động kết nối tinh thần, khi bạn để tâm trí cởi mở và thừa nhận qua hai bước trên, đây là bước để bạn biết người khác đang cảm thấy gì thông qua những điều họ thể hiện như cử chỉ, lời nói, âm sắc,...
Xem thêm: Lắng nghe thấu cảm - đứng về phía cảm xúc
- Thuyết phục: Đây chính là lúc để bạn kích thích sự trắc ẩn bên trong họ, sau một loạt sự thừa nhận, đồng tình, xác định, hãy dùng chính những cảm xúc có ở họ để làm nguồn kích phát.
Ví dụ, nếu bạn muốn dừng một cuộc tranh cãi vô nghĩa với bạn của mình, hãy nói với họ: “Tớ cảm thấy đau lòng vì chúng mình tổn thương nhau như thế này, trong khi chúng mình đủ thân thiết và đáng lẽ ra chúng mình có thể nhẹ nhàng thừa nhận sự khác biệt của nhau”. Với cách này, sự tổn thương của bạn sẽ xoa dịu sự tức giận của người đối diện. Họ nhận ra rằng họ tổn thương, nhưng bạn cũng tổn thương, và vì thế lòng trắc ẩn sẽ không cho phép họ tiếp tục tranh luận nữa.
Hoặc khi bạn muốn nói với ai đó rằng họ đã không hoàn thiện công việc ở mức độ bạn muốn, bạn có thể sử dụng lối phê phán kích phát vào tâm hồn: “Tôi đã nhận được những gì bạn gửi vào hôm nay. Thực tế là tôi đã mong đợi một báo cáo tốt hơn vì tôi tin bạn có thể làm rất tốt việc này và đó là lý do vì sao tôi giao nó cho bạn. Thế nhưng tôi đã không nhận được kết quả như kỳ vọng, và giờ tôi cảm thấy khá buồn cho quyết định của mình”. Với cách này, bạn khiến họ cảm thấy rằng việc họ làm không tốt nhưng họ không hề bị chỉ trích mà sự tổn thương, sự thất vọng, nỗi buồn đều do bạn gánh chịu. Sự tác động vào mặt cảm xúc có tác động thúc giục tốt hơn nhiều so với sự tác động của những lời nói chỉ trích đay nghiến. Cảm xúc đó rung chạm đến họ, và thay vì cố gắng tranh cãi rằng mình làm đủ rồi, họ sẽ tìm cách nỗ lực hơn để thấy niềm vui ở bạn.
Mong muốn - để đi tới đồng thuận, bạn có hàng trăm lối
Để trở thành họa sĩ, bạn không nhất thiết phải xuất thân từ một trường dạy vẽ. Bạn hoàn toàn có thể đạt được mục đích của mình thông qua nhiều con đường học tập và thể nghiệm khác nhau. Con đường lóe ra đầu tiên trong đầu bạn, chưa nhất định là con đường tốt nhất mà bạn có thể đi. Bởi vì mong muốn luôn là những khát khao mãnh liệt, nên chúng ta dễ bị chúng chi phối, bị ảnh hưởng đến những chiến lược và quyết định.
Vì thế, trong một cuộc giao tiếp, nếu bạn muốn người khác nghe bạn, hãy dừng ngay cách nói trực tiếp và theo kiểu mệnh lệnh sai khiến: Tôi muốn bạn tin vào quan điểm của tôi, Tôi chắc chắn là bạn sai, bạn phải thay đổi ngay đi.
Một người tinh tế và khéo léo sẽ chẳng bao giờ thốt ra những lời như thế. Nó chẳng thể làm gì khác ngoài việc dùng sự tổn thương để ép buộc người khác làm hài lòng mong muốn của mình. Hãy nhớ lại bài học về nghệ thuật giao tiếp của Tổng thống Lincoln, để đạt được mong muốn của mình về hành động của Tướng Joseph Hooker, ông đã thực hiện một chiến lược tấn công tâm lý: thừa nhận sự tài giỏi của vị tướng ấy - bày tỏ nỗi lo và sự không hài lòng cùng nguyên nhân của những cảm xúc đó - khẳng định sự tài giỏi của Hooker nhưng đồng thời cảnh báo sự kiêu ngạo và nóng nảy của ông ấy - bày tỏ kỳ vọng và cổ vũ Hooker. Với cương vị của mình, Lincoln thừa sức để yêu cầu Tướng Joseph Hooker nghe theo, nhưng ông không cưỡng ép mạnh mẽ như vậy, ông sử dụng sự nhu hòa để đạt được mục đích của mình.
Xem thêm: Bài học đắt giá về cách phê bình người khác từ Tổng thống Lincoln
Nào có ai không thích được là mình, chẳng có ai muốn bị phủ nhận. Mong muốn của bạn là được thừa nhận, thì đối phương cũng có mong muốn tương tự. Bạn cần học cách chấp nhận sự tồn tại của những mong muốn và học cách bày tỏ mong muốn của mình theo những cách khéo léo và tinh tế.
Đề nghị - đừng bắt buộc, hãy khuyên nhủ
Như đã phân tích ở trong phần Mong muốn, mọi sự cưỡng ép đều tạo ra càng nhiều cảm giác tiêu cực. Con người thích làm theo ý mình, dù biết là nguy hiểm, nhưng càng ngăn cản mạnh mẽ, họ sẽ càng muốn thử nghiệm. Thay vì khiến mọi hành động trở nên nặng nề, bạn có thể vừa khuyên can, vừa cảnh báo, vừa khen ngợi, vừa bày tỏ niềm hối tiếc với những hậu quả có thể xảy ra khi họ quyết định làm theo ý mình.
Để những đề nghị đạt được hiệu quả, trong đề nghị của bạn nên mang tinh thần tích cực, sự tin tưởng và một kế hoạch cụ thể. Ví dụ, khi những đứa trẻ bày bừa trong căn phòng, trên chiếc giường của chúng, những lời nhiếc móc chỉ khơi dậy sự giận dữ, bất mãn, phản nghịch và tổn thương của con trẻ. Bạn hoàn toàn có thể nói với chúng bằng tình yêu và niềm tin: “Nhìn xem, chiếc giường này đã hết chỗ để con và gấu bông của mình có thể nằm thoải mái. Chiều nay, sau khi đi học về, con có thể giúp mẹ dọn dẹp chúng vào những thùng phân loại đồ chơi được không? Nếu con đồng ý, mẹ tin là con có thể làm rất tốt đó bé yêu”. Không một lời trách móc, nhưng dữ liệu đủ để bé biết rằng đồ chơi đang không gọn gàng, rằng bé cần sắp xếp chúng, nhưng mẹ không tức giận với bé và mẹ còn tin bé nữa.
Tham khảo: Định kiến xã hội và những ảnh hưởng trong giao tiếp với trẻ
Giao tiếp trắc ẩn không chỉ khơi gợi lòng trắc ẩn mà còn là những tấm gương phản chiếu, thức tỉnh nghệ thuật giao tiếp bên trong những người khác. Con người học tập lẫn nhau, vì thế, khi cảm xúc tương tác và ảnh hưởng, hành vi cũng diễn ra quy trình tương tự. Do đó, trong quá trình giao tiếp, bạn không chỉ hoàn thiện những phẩm chất của mình mà bạn cũng đang định hướng phẩm chất cho người khác nữa.