Phê bình không phải là công kích
Xin bạn hãy phân biệt rõ hai thái độ này.
Công kích, chỉ trích là khi bạn chỉ nhằm vào những cái sai của người khác mà quên đi những điều tốt đẹp hay lý do khiến bạn tin vào họ. Giọng điệu của công kích là loại giọng điệu gay gắt, nghiêm trọng, thậm chí tiêu cực hơn có thể thiên hướng tới sự bới móc.
Ngược lại, khi phê bình, tức là bạn nhìn vào cả ưu điểm và khuyết điểm của một người, một hành vi, một vấn đề,... Khi cân bằng cả hai yếu tố đó, bạn sẽ nhận ra sự bù trừ của chúng và cân nhắc những lời lẽ cho phù hợp.
Vậy khi Tướng Joseph Hooker phạm lỗi, Lincoln đã nói gì? Lincoln sẽ nói những lời khiển trách như “ông đã sai lầm”, “sao ông có thể hành động như vậy”, “chính ông đã tạo ra cuộc khủng hoảng đen tối này” ư? Không! Ông ấy đã viết một lá thư bằng giọng điệu ôn hòa và bao dung, bằng một lời mở đầu vô cùng dễ nghe khiến cho người nhận dù biết lá thư ấy nói về những việc mình đã làm, nhưng vẫn vô cùng trân quý nó. Lincoln nói với Joseph Hooker rằng:
“Tôi đã bổ nhiệm ông là Tổng chỉ huy đạo quân Potomac và dĩ nhiên đây là một quyết định hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, ông cũng cần được biết rằng có một vài việc gần đây tôi không hoàn toàn hài lòng về ông”.
Hoặc thay vì nói với một người rằng “Thật khó chịu khi phải chờ đợi! Tôi muốn bạn có mặt đúng giờ ở những lần sau”, thì bạn hoàn toàn có thể nói với họ rằng “Tôi cho rằng việc bạn đi muộn là có nguyên nhân khách quan, và vì thế tôi mong lần sau bạn sẽ đến đúng giờ”.
Gợi ý: Khi đối mặt với chỉ trích cũng là một nghệ thuật sống
Điều này không chỉ xoa dịu sự căng thẳng, bực bội của bạn mà còn không khiến người khác cảm thấy bị ngại ngùng, xấu hổ. Đi muộn không phải là một hành động tốt, nhưng nó cũng không phải một hành vi xấu xa để nhận về sự chỉ trích. Thay vào đó, bạn có thể phê bình họ bằng sự cảm thông của chính mình.
Hãy ngợi khen và không hạ thấp đối phương
Một trong những sai lầm của việc phê bình chính là hạ thấp địa vị, năng lực, giá trị con người của đối phương. Và khi sử dụng các biện pháp gay gắt đó, phê bình sẽ mất đi ý nghĩa vốn có của nó.
Trong các mối quan hệ nhân sinh, không hiếm khi chúng ta mắc phải những sai lầm. Vì thế, khi đứng trước những lần phạm lỗi của người khác, bạn cần giữ sự bình tĩnh, tỉnh táo trước khi nói với họ bất cứ điều gì.
Benjamin Franklin từng nói rằng: “Bất cứ điều gì bắt đầu trong giận dữ đều kết thúc bằng sự xấu hổ”. Khi bạn tức giận, việc bạn chỉ trích họ bằng lời lẽ gay gắt chắc chắn sẽ khiến bạn thỏa mãn ngay lúc ấy, rằng cảm xúc bừng bừng trong tâm trí bạn dần dần được giải thoát ra ngoài và đổ dồn vào họ. Nhưng sau đó thì sao? Khi cảm xúc của bạn ổn định lại, khi bạn có thời gian để suy nghĩ lại thì bạn mới bất ngờ nhận ra mình đã xúc phạm đối phương và làm tổn thương họ như thế nào. Người Trung Quốc xưa có câu “Một lời nói ra ngựa giỏi đuổi không kịp”, vũ khí sắc bén hơn mọi vũ khí trên đời chính là lời nói. Lời nói có thể vực dậy cả một quốc gia, như cách Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946. Nhưng nó cũng trở thành cái ghim đau nhói khi bạn xúc phạm người khác, mãi mãi không nhổ ra được.
Tướng Joseph Hooker chắc chắn đã sai khi gieo rắc vào trong quân đội “thái độ phê phán chỉ huy và làm suy giảm lòng tin vào lãnh đạo”, khiến cho cuộc chiến gặp nhiều trở ngại. Lincoln biết điều đó, và Lincoln đã thẳng thắn với ông ấy về lỗi lầm đó. Nhưng trước khi chỉ ra Joseph Hooker đã sai như thế nào, Lincoln thừa nhận rằng ông ấy đã tuyệt vời ra sao, và những suy nghĩ về sự độc tài của ông ấy cũng sẽ được chính phủ hỗ trợ hết mình nếu cuộc chiến giành thắng lợi.
“Tôi tin rằng ông là một quân nhân dũng cảm và tài năng, đó là những phẩm chất tôi vô cùng quý trọng. Tôi cũng tin rằng ông đã không đem chính trị và binh nghiệp bị ràng buộc với nhau, như thế thì thật là đáng quý. Ông còn tự tin vào chính mình, một phẩm chất quan trọng, nếu không nói là chính yếu.
…
Chỉ những viên tướng nào giành được thắng lợi mới có thể trở thành nhà độc tài. Lúc này, thắng lợi quân sự mới là điều cấp bách, còn chuyện độc tài tôi sẽ bàn sau. Chính phủ sẽ ủng hộ ông hết khả năng của mình, cũng như trước nay đối với mọi tướng lĩnh. Nhưng tôi e rằng thái độ phê phán chỉ huy và làm suy giảm lòng tin vào lãnh đạo mà ông đang gieo rắc trong quân đội sẽ chống lại chính bản thân ông. Tôi sẽ giúp ông trong một chừng mực nào đó để dẹp tan điều này”.
Bạn thấy đấy, những người lãnh đạo tuyệt vời nhất không chỉ cần tài năng về mặt học thức, mà còn cần nắm bắt được nghệ thuật đối nhân xử thế, trong đó cần cả sự khéo léo, tinh tế khiến người khác “phục tùng” các ý kiến của mình mà vẫn đầy sự tôn trọng, yêu quý.
Tham khảo: Emotional Intelligence - EQ: Lưới cảm xúc thâu tóm sự yêu thích của những người xung quanh
Hãy nói về hậu quả của những sai lầm
Chẳng có điều gì tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ của một người hơn là một minh chứng cụ thể.
Những người có hoàn cảnh giống nhau, có mục tiêu giống nhau, hoặc một điểm nào đó khiến họ cảm thấy giao nhau, thì họ chính là những tấm gương phản chiếu để quyết định lựa chọn tiếp theo.
Trước hai ngã rẽ của cuộc đời, bạn buộc phải cân nhắc hai sự lựa chọn. Khi ấy, nếu con đường phía bên tay phải đã có rất nhiều người đi, ai cũng tổn thương, ai cũng thất bại, liệu bạn còn muốn chọn nó không hay sẽ đi về bên tay trái, tuy chưa có nhiều người bước vào nhưng bạn sẽ yên tâm cho trải nghiệm của mình hơn.
Chính vì thế, khi một người phạm sai lầm, hãy cho họ thấy kết quả của việc sai lầm được lặp lại và không sửa đổi sẽ tồi tệ như thế nào. Trong bức thư của mình, Lincoln đã nói với Joseph Hooker rằng:
“Ông là người có tham vọng, đấy là một điều rất tốt trong một chừng mực nào đó. Nhưng tôi nghĩ rằng, trong thời gian Tướng Burnside cầm quân, chính tham vọng của ông đã cản phá hành động của ông ấy, gây thiệt hại to lớn cho đất nước và cho người đồng đội đáng quý nhất”.
Đúng thế, quyết định trước đó của Joseph Hooker đã gây ra thất bại. Ông ta đã sai và ông ta cần nhận thức được điều đó. Lincoln không chỉ nói về lỗi sai, ông còn nhắc đến nguyên nhân, hậu quả của lỗi sai đó, trước hết để xoa dịu Joseph Hooker rằng, tham vọng của ông ấy là hoàn toàn chính đáng, nhưng tham vọng ấy trong thời điểm đó lại không phù hợp và nó đang làm ảnh hưởng đến đồng đội và thế cục quốc gia.
Vì thế, nếu muốn phê bình một ai đó, hãy chỉ ra cho họ hậu quả của hành vi sai lầm, hoặc cho họ một bằng chứng tương tự về một người đã từng quyết định giống họ.
Đừng quên nhắc nhở và cổ vũ chân thành
Sau khi phê phán, đừng kết lại cuộc trò chuyện bằng những lời như “Thôi được rồi, bạn đi ra ngoài đi”, “Cứ thế đi, đừng sai nữa”. Điều đó chỉ khiến người nghe cảm thấy tràn đầy áp lực với lỗi sai của mình mà không biết tiếp theo phải làm sao. Bạn hãy học kỹ thuật phê bình của Lincoln, vừa đấm vừa xoa, vừa nói về lỗi sai của họ nhưng cũng không bỏ mặc họ tự quyết định mà chỉ hướng cho họ một con đường.
“Ông cần cảnh giác với sự liều lĩnh của mình nhưng phải đem hết nghị lực và nhiệt huyết để tiến lên, mang thắng lợi về cho đất nước”.
Đến cuối cùng, Lincoln dù nói về sai lầm của ông ấy nhưng vẫn trao cho ông ấy niềm tin cần thiết. Lincoln tin Joseph Hooker và ông cũng làm cho Joseph Hooker tin vào khả năng thay đổi thế cục của mình. Ông cổ vũ ở Joseph Hooker tinh thần thay đổi lỗi sai để tạo ra một kết quả tốt hơn, bù đắp những sai lầm trước đó.