Thế nào là hiện tượng áp lực nhóm?
Năm 1984, trong cuốn sách Influence, Robert Cialdini đã đề xuất thuật ngữ “Social Proof”, để chỉ những tình huống mà con người không chắc chắn về hành vi, cảm xúc của mình mà phụ thuộc vào tình trạng của đám đông đang diễn ra. Áp lực nhóm có cơ chế gần giống như vậy, nhưng nó là một lý thuyết được đề xuất dành riêng cho hoạt động giao tiếp, không chỉ diễn ra trên nền tảng truyền thông xã hội mà diễn ra trong hoạt động thường ngày, bất cứ khi nào con người cần sử dụng đối thoại.
Nói một cách rõ ràng, áp lực nhóm là khi một hoặc một vài cá nhân từ bỏ những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi tự bản thân đề xuất để “đồng thuận” với những gì mà nhóm đưa ra. Tuy nhiên, vì nó hình thành dựa trên cái gọi là áp lực số đông, nên sự “đồng thuận” đó không phải lúc nào cũng mang ý nghĩa tích cực, trong một số trường hợp, đó cũng là một sự phục tùng tiêu cực do bản thân của người phục tùng không thể thay đổi quyết định của nhóm.
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta có thể nhìn thấy hiện tượng áp lực nhóm này ở bất cứ đâu, trong những cuộc hội thoại có từ 2 người trở lên.
Xem thêm: Những yếu tố quyết định thành công của Teamwork
Ví dụ, trong nhóm phát triển dự án A, gần như tất cả các thành viên tham gia đều đồng tình với phương án của cá nhân B, thì một vài người khác cho dù không quá đồng tình, nhưng cũng không muốn tranh luận với số đông hoặc đi ngược số đông nên cũng lựa chọn chấp thuận theo. Sự “đồng thuận khiên cưỡng” này về bản chất là không tốt, nhưng thực tế thì không gây hại nhiều đến kết quả về sau. Tuy nhiên, nếu trong tình huống giao tiếp nào, người khác chê bạn cũng chê, người khác khen bạn cũng khen dù bản thân bạn suy nghĩ những điều ngược lại thì nó sẽ chỉ khiến bạn đánh mất bản thân mình.
Vì thế áp lực nhóm được coi là một phương pháp “thao túng” những người tham gia cuộc hội thoại đó. Tại đây, số đông là người cầm trịch, và cá nhân ít ỏi sẽ nghe và làm theo những gì họ muốn.
Cơ chế thao túng của hiện tượng áp lực nhóm
Khi người ta lo sợ bản thân khác với số đông, sợ phải đối diện với những lời tra hỏi, phán xét, tranh luận…
Khi người ta không muốn có quá nhiều ràng buộc vào bản thân, hay chịu trách nhiệm cho những phát ngôn của mình…
Khi người ta cảm thấy bản thân kém cỏi, không quá nổi bật, cũng không muốn nổi bật,...
Họ chọn đồng thuận với những gì mà số đông trong “nhóm” đã quyết định. Cơ chế thao túng chủ yếu diễn ra qua những hình thức sau:
Đồng thuận khiên cưỡng
Đồng thuận khiên cưỡng là tình huống cá nhân bị buộc phải từ bỏ suy nghĩ, quyết định, hành vi,... của bản thân để đi theo khuôn mẫu mà nhóm tạo ra.
Sự khiên cưỡng của cơ chế này là cá nhân chỉ đồng thuận về mặt hình thức, theo kiểu “Nếu các bạn muốn A vậy thì tôi sẽ làm theo A cho các bạn”. Ở cơ chế này, cá nhân có thể lường trước được hậu quả, kết quả nhưng vì nguyện vọng của nhóm, nên cá nhân buộc phải tuân theo.
Trong hoạt động nhóm học tập và làm việc, nếu có một cá nhân bị cô lập về mặt ý kiến thì rất dễ xảy ra điều này. Ví dụ, nhóm có 4 người, 3 người chung ý kiến thì quyết định sẽ không thuộc về người thứ 4 nữa; trừ khi người thứ 4 có quyền lực chi phối như trưởng dự án, trưởng bộ phận khiến cho nhóm phải suy nghĩ, cân nhắc lại.
Gợi ý: Nghệ thuật từ chối giúp bạn trở thành bậc thầy giao tiếp
Đồng thuận hoàn toàn
Ngược lại với sự đồng thuận về mặt hình thức, dưới áp lực nhóm, nhiều cá nhân bị thuyết phục một cách hoàn toàn về suy nghĩ, hành vi, cảm xúc. Ban đầu, những cá nhân này cũng có những chính kiến của riêng mình, nhưng dưới tác động của nhóm, họ cảm thấy ý kiến của bản thân không quá quan trọng, cũng không quá cần thiết để nêu ra hay đi ngược lại nhóm, vì thế, họ chọn từ bỏ và hưởng ứng số đông.
Sự thao túng này cũng phụ thuộc vào vị trí của cá nhân trong nhóm đó như năng lực, vai trò, đóng góp,... Với những cá nhân không có những đóng góp nổi bật, hoặc không giữ một vị trí cao hơn so với một vài thành viên, chưa có những thành tựu rõ ràng thì họ thường sẽ chọn yên lặng và hoàn thành những gì được giao.
Một số cá nhân có tư chất bình thường thường có xu hướng phụ thuộc vào nhóm, do bản thân họ không chắc chắn về những quyết định của mình, vì thế họ đặt niềm tin vào số đông. Khi lựa chọn theo số đông, dù dẫn đến kết quả xấu, họ cũng không hoàn toàn phải chịu trách nhiệm với nó.
Trong xã hội hiện đại không hề thiếu những kiểu người nương theo số đông như thế này. Một phần là do năng lực hạn chế, một phần là do cách sống không thích ồn ào, họ luôn cố gắng giảm thiểu thấp nhất sự nổi bật của mình trong một nhóm đông người. Thậm chí khi trò chuyện cùng một nhóm bạn, họ cũng có thể dễ dàng thỏa hiệp theo kiểu “dĩ hòa vi quý” để tất cả mọi người đều cảm thấy vui vẻ. Kiểu người này có thể dễ dàng làm bạn, cũng khiến người khác yêu thích vì họ không từ chối hay phản bác, nhưng họ cũng dễ cảm thấy mệt mỏi bởi cách sống của chính mình.
Đồng thuận phục tùng
Cơ chế này hình thành dựa trên sự tuân theo vô điều kiện của cá nhân trong một nhóm. Điều này xảy ra khi cá nhân đã hình thành sự tuân thủ mong muốn, kỳ vọng của người khác đối với mình từ khi còn nhỏ cho tới khi trưởng thành. Họ không muốn từ chối, cũng không muốn khiến người khác thất vọng, vì thế, khi đứng trong một nhóm, những gì người khác nói cũng là những gì họ nghĩ. Chỉ cần được giao nhiệm vụ, họ sẽ làm theo mà không đưa ra bất cứ thắc mắc nào. Đây cũng là một kiểu thói quen phụ thuộc, chờ đợi yêu cầu đối với bản thân chứ họ sẽ không chủ động tìm kiếm cơ hội cho mình.
Trong nhóm làm việc, đây chính là sự phục tùng tuyệt đối dành cho những người lãnh đạo. Bất cứ quyết định nào của lãnh đạo họ cũng sẽ tận tâm làm theo, luôn luôn đồng tình. Trạng thái này có mặt tốt và cả mặt xấu. Mặt tốt vì đó là biểu hiện của sự trung thành, nhưng nó cũng là “con dao” đẩy họ vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan nếu quyết định của lãnh đạo sai lầm.
Sự tồn tại của nhóm là tất yếu trong xã hội, cũng là căn cứ để hình thành và phát triển các giá trị khác nhau. Tuy nhiên, nếu cá nhân hoàn toàn để nhóm chi phối, không có lập trường riêng thì chẳng khác nào những chiếc khuôn dẻo mặc cho người ta quyết định hình dáng. Càng lâu dài, sự chủ động trong suy nghĩ sẽ càng xói mòn theo sự thụ động và phụ thuộc vào số đông.